Sự phân bố và hiện diện của nấm rễ nội cộng sinh trong vùng đất trồng bưởi Da Xanh tại Bà Rịa Vũng Tàu
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định sự phân bố và hiện diện của nấm nội cộng sinh VAM (Versicular Arbuscular Mycorrhiza) trong vùng đất quanh rễ và rễ bưởi Da Xanh tại Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu.
Nấm cộng sinh Vesicular Arbuscular Mycor[1]rhiza (VAM) là một dạng cộng sinh giữa thực vật bậc cao và nấm. Gần 90% các loài cây trồng trên trái đất có sự tồn tại của nấm cộng sinh. Sự có mặt của nấm cộng sinh trong vùng rễ cây trồng giúp cây trồng tăng tỉ lệ sống cây con, tăng khả năng sinh trưởng và số hoa. Wu & ctv. (2011) đã báo cáo rằng việc chủng nấm cộng sinh vào cây họ cam quýt đã làm tăng số lượng rễ, chiều dài rễ và thể tích rễ, nhờ đó tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng cho cây trồng. Với những lợi ích của nấm rễ cộng sinh như vậy, việc nghiên cứu ứng dụng nấm rễ nội cộng sinh trong nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ sinh thái ổn định và một nền nông nghiệp bền vững đặc biệt trong điều kiện bất lợi và tình hình khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều chủng loại cây ăn trái, trong đó có bưởi Da Xanh, thị xã Phú Mỹ có diện tích trồng bưởi Da Xanh lớn nhất trong toàn tỉnh (chiếm gần 50% diện tích trồng bưởi Da Xanh của tỉnh), tập trung chủ yếu tại xã Sông Xoài và phường Hắc Dịch. Để nâng cao chất lượng và xây dựng một vùng bưởi Da Xanh an toàn và bền vững, việc nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học là việc làm cần thiết, trong đó, nghiên cứu và ứng dụng nấm cộng sinh trong canh tác cây trồng là một trong những hướng cần được quan tâm. Vì vậy, nghiên cứu đã được thực hiện để xác định sự phân bố và hiện diện của những chủng nấm cộng sinh có trong vùng rễ và những nền đất trồng bưởi Da Xanh chủ yếu tại Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu, làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo.
Các mẫu đất và rễ được thu thập trên các vườn bưởi 6 - 7 năm tuổi, trồng trên 2 nền đất phổ biến tại địa phương, ở 2 tầng đất 0 - 20 cm và 20 - 40 cm, tại 2/3 tán và mép tán. Kết quả cho thấy nấm VAM hiện diện trên nền đất đỏ bazan với mật số bào tử cao hơn trong đất đen, tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt (0 - 20 cm) và ở mép tán. Chi Glomus và Acaulospora là 2 chi chiếm ưu thế với tỉ lệ dao động lần lượt trong khoảng từ 53,18 ± 2,59% đến 58,54 ± 0,46% và 23,68 ± 2,96% đến 29,33 ± 0,64%. Càng tăng độ sâu tầng đất, mật số bào tử nấm VAM càng giảm, thành phần các chi nấm cộng sinh cũng thay đổi. Tỉ lệ rễ có sự cộng sinh dao động từ 56,20 ± 3,11% đến 62,00 ± 3,37%, cao nhất trên đất đỏ.
Trên vùng đất trồng bưởi Da Xanh tại Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu có sự hiện diện của VAM với 2 chi chính là Glomus và Acaulospora. Mật số bào tử VAM và tỉ lệ rễ có sự cộng sinh trên nền đất đỏ cao hơn trên đất đen, tập trung chủ yếu trên tầng đất mặt và ở vị trí mép tán. Độ sâu tầng canh tác càng cao, mật số bào tử càng giảm và thành phần các chi VAM cũng thay đổi
tnttrang
journal.hcmuaf.edu.vn - Số 01/2021