Ảnh hưởng của độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ương giống tôm sú (Penaeus monodon) theo công nghệ biofloc
Nghiên cứu do nhóm tác giả Châu Tài Tảo, Nguyễn Phú Son, Lý Văn Khánh, Cao Mỹ Án và Trần Ngọc Hải của Khoa Kinh tế và Khoa Thủy sản – trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định độ mặn thích hợp lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú giống được ương theo công nghệ biofloc.
Ảnh: Internet
Tôm sú là loài có kích thước lớn, chất lượng thịt ngon, thích ứng rộng với môi trường nuôi, lớn nhanh và có giá trị xuất khẩu cao nên được chọn là đối tượng nuôi phổ biến của nghề nuôi tôm biển ở Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2017, sản lượng tôm sú nuôi của Việt Nam là 270.482 tấn trên diện tích nuôi 595.831 ha (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017). Hiện nay, người nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thường thả tôm giống kích cỡ nhỏ nên hao hụt nhiều dẫn đến hiệu quả không cao. Vì thế, việc tìm ra giải pháp ương tôm giống đạt kích cỡ lớn, chất lượng cao nhằm rút ngắn thời gian nuôi là rất cần thiết để hạn chế rủi ro do mầm bệnh, thời tiết khắc nghiệt, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Hiện nay, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc chủ yếu tập trung ở giai đoạn ương giống tôm thẻ chân trắng (Tạ Văn Phương và ctv., 2014; Châu Tài Tảo và ctv., 2015), ương ấu trùng tôm sú theo công nghệ biofloc (Châu Tài Tảo và ctv., 2017). Tuy nhiên, các nghiên cứu về ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc chưa được thực hiện nhiều, mặt khác các mô hình nuôi tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến thường có độ mặn dao động rất lớn tùy theo từng nơi. Xuất phát từ yêu cầu trên, nghiên cứu ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc ở các độ mặn khác nhau được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú giống để ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức độ mặn 5; 10; 15, 20 và 25‰. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, lặp lai 3 lần. Rỉ đường được sử dụng để tao biofloc với tỷ lệ C:N = 10:1, bể ương có thể tích 500 lít và mật độ tôm là 600 con/m3. Trong 30 ngày ương các yếu tố môi trường, chỉ tiêu biofloc và mật độ vi khuẩn ở các nghiệm thức nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Tôm ở độ mặn 15‰ có khối lượng lớn nhất (0,38±0,01 g), khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức độ mặn 5‰ và 25‰, nhưng khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) so với hai nghiệm thức còn lai. Tỷ lệ sống (95,5±2,1%) và năng suất (573±13 con/m3) của tôm cao nhất ở nghiệm thức 15‰, khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với độ mặn 5‰, nhưng không khác biệt có ý nghĩa (p>0,05) so với các độ mặn còn lai. Kết quả cho thấy ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc ở độ mặn từ 10 đến 20 ‰ đều cho kết quả tốt.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 5B (2020): 143-149