Hiện trạng nhiễm ký sinh trùng ở cá tra giai đoạn ương giống
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Trong đó, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Do nhu cầu sản phẩm cho xuất khẩu tăng nên nhiều nơi đã nuôi thâm canh cá tra và bệnh là một trở ngại đáng kể cho nghề nuôi, trong đó bệnh do ký sinh trùng là khá phổ biến. Ký sinh trùng thường lây nhiễm cho cá qua môi trường nước, khi nhiễm với số lượng lớn sẽ làm cá sinh trưởng chậm, thậm chí gây chết hàng loạt, đặc biệt ở giai đoạn cá giống đồng thời mở đường cho các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập gây chết cá. Bệnh do ký sinh trùng thường gây thiệt hại cho cá tra từ giai đoạn ương giống đến nuôi thương phẩm. Bệnh do ký sinh trùng khá phổ biến ở giai đoạn cá nhỏ, chủ yếu là nhóm ngoại ký sinh. Trong đó, nhóm trùng mặt trời Trichodina, thích bào tử trùng Myxozoa… được ghi nhận lây nhiễm và gây bệnh phổ biến, gây thiệt hại rất lớn cho cá nuôi nước ngọt trong giai đoạn cá giống.
Nhằm xác định hiện trạng nhiễm ký sinh trùng ở ba giai đoạn ương (cá bột, cá hương và cá giống) cá tra, nghiên cứu đã đươc nhóm các tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Trần Thị Tuyết Hoa, Đặng Thụy Mai Thy, Trần Thị Mỹ Duyên và Nguyễn Thanh Phương (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Tổng số 857 mẫu cá (302 mẫu cá bột, 218 mẫu cá hương và 337 mẫu cá giống) được thu từ 20 ao ương (9 ao thu vào mùa mưa và 11 ao thu vào mùa khô). Thành phần loài và tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng được xác định theo các giai đoạn ương cá khác nhau. Kết quả cho thấy 9 giống ký sinh trùng được phát hiện trên cá tra giống bao gồm Cryptobia, Trichodina, Balantidium, Apiosoma, Epistylis, Myxobolus, Henneguya, Dactylogyrus và Gyrodactylus. Ngoài ra, bào nang của một số giống ký sinh trùng cũng được xác định là Myxozoans, ấu trùng Metacercariae, ấu trùng giun tròn và Copepod. Nhiều giống ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm ở mùa khô (cá bột: 56,6% - 73,3%, cá hương: 50% - 100%, cá giống: 73% - 85,7%) cao hơn so với mùa mưa (cá bột: 15% - 57,3%, cá hương: 40% - 100%, cá giống: 25% - 90,3%). Đặc biệt, các giống Trichodina, Apiosoma, Epistylis, Myxobolus, Henneguya và bào nang Myxozoa ký sinh phổ biến trên da và mang cá ở cả mùa khô và mùa mưa. Hiện trạng về tỷ lệ nhiễm và thành phần loài ký sinh trùng phát hiện trong nghiên cứu này phản ánh thời điểm cụ thể của giai đoạn ương cần áp dụng các biện pháp can thiệp nhằm giảm tác động của mầm bệnh ký sinh trùng.
nhnhanh
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 5B (2020)