SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao năng suất mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong ao nuôi tôm sú

[02/10/2021 09:35]

Mô hình nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm sú được đánh giá là bền vững, chi phí thấp, hiệu quả cao, có thể áp dụng và nhân rộng cho bà con nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề dịch bệnh trên tôm sú.

Để nâng cao năng suất sò huyết trong mô hình cho vụ nuôi năm 2021 và những năm tiếp theo, người nuôi cần chú ý một số giải pháp:

- Theo dõi diễn biến thời tiết cũng như lịch thời vụ thả giống sò huyết hàng năm.

- Cải tạo ao nuôi đảm bảo các yếu tố: Trước mỗi vụ nuôi, người dân tập trung cải tạo ao vào thời điểm từ tháng 9 - 10 dương lịch, thời gian cải tạo 15 - 30 ngày. Sau đó, tiến hành bón vôi CaCO3 từ 100 - 150 kg/ha, đảm bảo ao nuôi duy trì mực nước trên trảng 0,4 - 0,6 m, mương bao có độ sâu 1,2 - 1,5 m, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp (pH, nhiệt độ, độ mặn...) tạo điều kiện cho sò huyết, tôm, cá phát triển ổn định.

Lưu ý: Đối với những ao nuôi còn sò huyết trên mặt trảng của vụ trước thì chỉ cải tạo, sên vét loại bỏ sình, chất bùn quanh mương bao.

-  Áp dụng hình thức nuôi sò huyết kết hợp tôm sú trong ao tôm quảng canh cải tiến theo hướng khép kín, sử dụng vi sinh, công nghệ sinh học Bồ đề và bổ sung thức ăn công nghiệp. Cụ thể như sau:

+ Lấy và xử lý nước: Sau khi cải tạo, sên vét ao nuôi, mương bao, tiến hành lấy nước vào ao nuôi thông qua túi lọc để hạn chế trứng các sinh vật gây hại sò huyết xâm nhập vào ao nuôi. Nên theo dõi chất lượng nước ngoài kênh rạch trước khi cấp để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sò huyết, tôm, cá phát triển.

+ Sau 2 - 3 ngày tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn và 3 - 5 ngày tiếp theo tiến hành gây màu cho ao nuôi tạo nguồn thức ăn tự nhiên (tảo) giai đoạn đầu cho sò khi mới thả giống. Một số hóa chất thông thường có thể sử dụng để diệt tạp như dây thuốc cá (10 - 15 kg/1.000 m3), Saponin (10 - 15 kg/1.000 m3); gây màu dùng phân vô cơ DAP, Ure (3 - 5 kg/1.000 m3) nhằm tạo môi trường tốt cho thủy sản nuôi phát triển.

Kiểm tra môi trường ao nuôi (pH, độ mặn, độ, độ kiềm, độ trong...) trước khi thả nhằm đối chiếu các thông số môi trường trong ao nuôi với giới hạn cho phép xem có nằm trong ngưỡng thích hợp hay không để kịp thời điều chỉnh.

+ Người nuôi nên chọn giống tại những bãi sò giống của địa phương, có uy tín. Nên chọn sò giống có kích cỡ khoảng 800-1000 con/kg.

+ Mật độ thả nuôi: Với ao nuôi có diện tích 2.000 m2 khuyến cáo người nuôi nên thả khoảng 150 – 200 kg sò giống.

Lưu ý thời gian vận chuyển giống không quá 5 giờ. Trong quá trình vận chuyển giống, tránh nước mưa rơi vào trong sò huyết.

+ Thả giống: Trước khi thả giống nên lấy nước ngoài ao nuôi rắc đều trên sò huyết giống và để khoảng 60 phút để sò huyết thích nghi với môi trường ao nuôi, cân bằng nhiệt độ.

Khi thả sò huyết cần rải đều và nhẹ.

Sau khi thả giống sò huyết từ 4-5 giờ cần xuống ao mò sò giống xem sò vùi xuống chưa. Nếu sò huyết đã vùi cho thấy sò huyết đã thích nghi tốt với môi trường ao nuôi.

+ Để sò huyết không bị sốc và chết (chỉ bổ sung nước từ ao chứa sang ao nuôi khi cần thiết). Nước ao nuôi có màu vàng nhạt hoặc xanh vỏ đậu, độ trong dưới 15 cm là đạt yêu cầu và đảm bảo nguồn thức ăn cho sò huyết.

Định kỳ 7 ngày sử dụng 2 kg thức ăn công nghiệp số 0 của tôm sú pha đều tạt khắp vuông để cho sò huyết ăn. Sau khi sử dụng thức ăn công nghiệp 3 – 4 ngày tiến hành ủ vi sinh + 3 kg cám + 3 kg mật đường (ủ 24 giờ), xử lý lúc 8 giờ sáng (liều lượng trên dành cho vuông nuôi sò huyết có diện tích 2.000 m2).

Định kỳ 7-10 ngày, sử dụng 2 lít sản phẩm Công nghệ sinh học Bồ Đề/2000 m2 nhằm cung cấp khoáng chất có lợi cho sò huyết, ổn định pH, tái tạo dinh dưỡng môi trường, cung cấp oxy đáy vuông...

Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng Yucca kết hợp với Zeoline theo liều lượng: 1 lít Yucca + 20 kg Zeoline/2.000 m2 để hạn chế sự ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của rong đáy, rong nhớt.

+ Định kỳ 3-5 ngày nên kiểm tra sò huyết một lần, 4-5 ngày/lần nên kiểm tra độ kiềm, độ pH, khí độc NO2… Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 38 độ C nên sử dụng 5 kg vitamin C tạt cho ao 2.000 m2 lúc 15 giờ.

- Thu hoạch: Cỡ sò huyết giống thả 500 - 800 con/kg, sau thời gian nuôi 7 - 8 tháng thu hoạch, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm 60 - 70 con/kg. Cỡ sò huyết giống thả 1.000 - 1.200 con/kg thời gian nuôi 12 - 18 tháng thu hoạch, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm 60 - 70 con/kg. Thông thường nông dân áp dụng hai hình thức thu hoạch là thu tỉa và thu dứt điểm, áp dụng phương pháp thủ công khi thu hoạch sò huyết nuôi, rút nước trong ao còn khoảng 1/3, sau đó mò bắt. Riêng đối với tôm sú thì thu tỉa bằng lưới, đăng, đục… kết thúc vụ thì tát cạn ao thu dứt điểm số lượng còn lại cùng với cá nuôi

dtnkhanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ