Ảnh hưởng của tần suất xử lý ozone lên chất lượng trứng cua biển (Scylla paramamosain)
Nghiên cứu do Nguyễn Việt Bắc và Vũ Ngọc Út của Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ và Bộ môn thủy sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau thực hiện.
Ảnh: Internet
Cua biển (Scylla paramamosain) là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, phân bố ở vùng ven biển thuộc các nước châu Á, trong đó có Việt Nam (Walton et al., 2006). Trong những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển ngày càng tăng dẫn đến nguồn cua giống tự nhiên giảm mạnh vì hoạt động khai thác con giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm (Nyqvist, 2011). Nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên và phát triển nghề nuôi cua biển bền vững, các giải pháp cải tiến kỹ thuật để xây dựng quy trình sản xuất giống đã được tập trung nghiên cứu (De Pedro et al., 2007; Nghia et al., 2007). Tuy nhiên, tỷ lệ sống của ấu trùng ở các trại giống còn khá thấp do nhiều nguyên nhân như nhiễm nấm trong quá trình ấp trứng (Cholik, 1999), nhiễm nguyên sinh động vật (Cholik, 1999; Dat, 1999), nhiễm vi khuẩn từ cua mẹ và môi trường (Talpur et al., 2011; Wu et al., 2016) và chất lượng nước (Li et al., 2012). Để hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra cho ấu trùng, các trại sản xuất giống sử dụng nhiều loại kháng sinh (De Pedro et al., 2007; Azam and Narayan, 2013), dẫn đến hình thành các dòng vi khuẩn kháng thuốc gây ảnh hưởng lớn ngành nuôi trồng thủy sản và các vấn đề về môi trường (Zhang et al., 2011; Mezhoud et al., 2016). Gần đây, ozone được sử dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản vì hiệu quả sát trùng cao đối với các sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và nguyên sinh động vật (Liltved et al., 2006), phân hủy nhanh và ít để lại tồn lưu cho môi trường (Summerfelt and Hochheimer, 1997; Von Gunten, 2003; Tạ Văn Phương, 2006). Ozone được báo cáo với hiệu quả vượt trội trong việc khử trùng bề mặt vỏ trứng và giúp cải thiện tỷ lệ nở của trứng cá hồi (Liltved et al., 2006; Summerfelt et al. 2009), cá Argyrosomus japonicus (Ballagh et al., 2011), tôm he (Sellars et al., 2005; Coman and Sellars, 2007). Hiện nay, có rất ít thông tin về việc ứng dụng ozone trong sản xuất giống cua biển (Nghia et al., 2007), trong khi việc xử lý bằng iodine hiện nay hiệu quả không cao, nhất là hiện tượng ấu trùng hao hụt lớn ở 3 ngày đầu sau khi nở. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc xử lý ozone lên chất lượng trứng cua biển S. paramamosain nhằm tăng hiệu quả ấp trứng, tỷ lệ nở và chất lượng của ấu trùng cua.
Bốn nghiệm thức thí nghiệm với tần suất xử lý ozon khác nhau gồm: (i) đối chứng (xử lý iodine), (ii) xử lý ozone 1 ngày/lần, (iii) xử lý ozone 2 ngày/lần và (iv) xử lý ozone 3 ngày/lần. Ozone được sục vào bể ương thông qua máy venturi với nồng độ ozone 0,1 mg/L trong thời gian 60 giây. Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ nở và tổng số ấu trùng thu được ở nghiệm thức sử dụng ozone tần suất 1 ngày/lần là 57,4% và 4,25 x 103 ấu trùng/g cua mẹ thấp hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với nghiệm thức đối chứng lần lược 62,3% và 5,51 x 103 ấu trùng/g cua mẹ. Nhưng tỷ lệ nhiễm nấm, ký sinh trùng, mật độ vi khuẩn tổng và vi khuẩn vibrio trên trứng cua ở nghiệm thức sử dụng ozone 1 ngày/lần thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xử lý ozon với tần suất 1 ngày/lần giúp kiểm soát tốt bệnh nấm, vi khuẩn và kí sinh mà không ảnh hưởng đến chất lượng trứng và ấu trùng cua biển.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 5B (2020): 176-183