Hiệu quả tài chính và sự sẵn lòng chuyển đổi sang mô hình lúa hữu cơ của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do tác gỉả Khổng Tiến Dũng (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm so sánh hiệu quả tài chính của mô hình truyền thống và mô hình lúa hữu cơ ở hai khu vực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: Internet
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước, có diện tích rộng lớn, đất đai phù sa màu mỡ rất thuận lợi cho việc trồng lúa, với sản lượng hằng năm là 24,5 triệu tấn, chiếm trên 55% tổng sản lượng lúa cả nước, trong đó, diện tích trồng lúa 1,85 triệu ha, chiếm khoảng 49% diện tích đất trồng lúa cả nước (Tổng cục Thống kê, 2018). Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng chuyển biến phức tạp tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống canh tác lúa của nhiều hộ nông dân như xâm nhập mặn, khô hạn. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo tiền đề giúp Việt Nam có cơ hội vươn ra thế giới và cũng tạo ra nhiều cạnh tranh trong các ngành nghề, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, bao gồm sự cạnh tranh các nguồn lực dành cho ngành và cũng tạo ra nhiều sức ép lên môi trường tự nhiên như ô nhiễm nước, chất thải, ô nhiễm không khí (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2019). Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017, Việt Nam có gần 20.000 loại phân bón được cấp phép lưu hành. Bình quân, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ trên 2 triệu tấn phân Urê, có khoảng 50% lượng phân bón bị thất thoát, chủ yếu ngấm vào nước và không khí. Điều này dẫn đến lo ngại khi tỷ lệ người nông dân mắc bệnh ung thư khu vực nông thôn là rất cao, chiếm đến 70% (Nguyễn Văn Bằng và ctv., 2015). Do đó, nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng tận dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Hiện tại, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều tiêu chuẩn và quy định để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững như mô hình VietGap, GlobalGap và mô hình nông nghiệp hữu cơ. Mục đích chính của các mô hình này nhằm giảm thiểu rủi ro ô nhiễm, tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, hiện nay chính quyền ở nhiều địa phương đang hướng người dân tham gia những mô hình sản xuất lúa theo hướng mô hình hữu cơ, sử dụng giống mới, hạn chế sử dụng phân và thuốc hóa học, mang nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình sản xuất truyền thống như giá lúa bán ra cao hơn, được bao tiêu đầu ra, hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng phân thuốc hóa học trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, hiệu quả mô hình mang lại còn giúp nông hộ thay đổi nhận thức và tập quán canh tác bền vững hơn. Nhưng hiện nay, hiệu quả của mô hình hữu cơ còn một số giới hạn như công lao động còn cao, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, năng suất lúa còn thấp. Ngoài ra, đây là mô hình mới chắc chắn nông dân còn lưỡng lự chưa muốn chuyển đổi. Do vậy, việc so sánh hiệu quả tài chính của mô hình truyền thống và mô hình mới và việc tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc sẵn lòng chuyển đổi mô hình mới của nông hộ là cần thiết, giúp cung cấp các luận cứ khoa học hỗ trợ các nhà làm chính sách đề xuất và quản lý hiệu quả hơn.
Số liệu nghiên cứu được thu thập từ 168 nông hộ trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có điều kiện sản xuất tương đồng. Các chỉ số tài chính, hàm lợi nhuận Cobb-Douglas và mô hình nhị phân Logit được sử dụng để đánh giá và so sánh hiệu quả tài chính, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chuyển đổi sang mô hình hữu cơ của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 40% các nông hộ ở mô hình truyền thống sẵn lòng chuyển đổi sang mô hình hữu cơ. Hàm lợi nhuận Cobb-Douglas được sử dụng để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận mô hình truyền thống bao gồm: giá chuẩn hóa của phân kali, thuốc và diện tích. Ngoài ra, mô hình nhị phân Logit được dùng để xác định biến tuổi làm tăng xác suất đồng ý chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình hữu cơ trong khi biến diện tích và doanh thu của mô hình truyền thống làm giảm xác suất này. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số giải pháp và ngụ ý chính sách được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và tạo động cơ chuyển đổi sang mô hình hữu cơ.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 5D (2020): 218-226