Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo tài nguyên theo chuỗi cung ứng
Nghiên cứu do hai tác giá Tất Duyên Thư (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) và Võ Thị Thanh Lộc (Võ Thị Thanh Lộc) thực hiện.
Ảnh: Internet
Giống lúa Tài Nguyên (TN) được trồng ở 5 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh. Trước năm 2009, lúa TN được trồng trong vùng nước có nhiễm mặn (hay nước lợ) theo quang kỳ (mùa vụ 6 tháng), chi phí sản xuất thấp vì ít bón phân và ít tốn công chăm sóc, thân lúa dài dễ đổ ngã. Tuy lúa có năng suất thấp (khoảng 4-4,5 tấn/ha) nhưng giá cao vì chất lượng tốt: hạt gạo nhuyễn, đục như sữa, cơm nở tơi xốp, mềm, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng lúa gạo TN bị suy giảm nghiêm trọng: cỡ hạt trung bình và hơi trong (không còn đục như sữa), cơm khô và cứng khi để nguội hoặc để qua đêm, không còn tơi xốp, vị ngọt cũng như mùi thơm. Nguyên nhân suy giảm này theo nghiên cứu định tính ban đầu (thông qua đánh giá nông thôn có sự tham gia (Participatory Rural Appraisal - PRA) 12 nông dân, 20 người tiêu dùng và 172 nhà hỗ trợ có tiêu dùng gạo TN) cho thấy nông dân trồng lúa TN sử dụng thuốc ức chế sinh trưởng Bonsai (có thành phần Paclobutrazol) làm thân lúa ngắn lại để chống đổ ngã và khi dùng Bonsai thì nông dân sử dụng phân đạm nhiều hơn (cao hơn khoảng 10-20% so với không bón Bonsai), thời gian sản xuất chỉ còn 4,5 tháng. Bên cạnh đó, việc đắp đê bao/cống ngăn mặn đã làm hạn chế nước lợ vào nội đồng, đây là điều kiện tiên quyết của việc trồng lúa TN. Ngoài ra, lúa TN sau khi các doanh nghiệp ở Long An mua, xay chà và chủ động trộn với gạo Sóc Miên đục (có hình thức giống gạo TN nhưng giá thấp hơn và gạo cứng cơm hơn) để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong khâu bán lẻ thì người tiêu dùng thích trộn với gạo mềm cơm hơn như gạo Đài Loan, Một Bụi, Hương Lài hoặc OM4900 do gạo TN hiện nay cứng cơm khi để nguội. Những vấn đề trên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sức tiêu thụ gạo TN trên thị trường hiện nay. Qua phỏng vấn người tiêu dùng gạo TN thì đa phần họ đã chuyển sang tiêu thụ các loại gạo khác hoặc đấu trộn gạo TN với các loại gạo khác mềm cơm hơn. Chính vì vậy, sản phẩm gạo TN ở ĐBSCL có dấu hiệu suy giảm mạnh về sức tiêu thụ và thương hiệu vốn có lâu đời do chất lượng kém hơn. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân suy giảm chất lượng lúa gạo Tài Nguyên (TN) hiện nay so với trước năm 2009 và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo TN trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu định tính và định lượng dựa trên 567 quan sát được phỏng vấn bao gồm các tác nhân trong chuỗi, các bên liên quan và các chuyên gia. Các phương pháp phân tích được sử dụng như ứng dụng mô hình quản lý just-in-time trong nông nghiệp để tính thời gian rỗi trong các khâu của chuỗi cung ứng và mô hình hồi quy. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố trong khâu sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo TN bao gồm giống lúa TN đã phục tráng, nguồn nước lợ, sử dụng Bonsai (có thành phần Paclobutrazol) và bón phân đạm nhiều hơn. Các yếu tố: công nghệ sấy, công nghệ xay xát và kho tàng thiết bị, thời gian bảo quản lúa trước khi sấy và thời gian bảo quản gạo sau xay xát có khả năng làm thay đổi chất lượng lúa gạo TN trong khâu bảo quản chế biến. Trong khâu tiêu thụ, việc đấu trộn gạo chất lượng kém hơn, thời gian bảo quản và tiêu thụ gạo và giá bán là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng gạo TN.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 5D (2020): 236-245