SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năng suất và thành phần hóa học của dây và củ khoai lang phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

[08/10/2021 11:42]

Nghiên cứu do hai tác giả Hồ Thanh Thâm (Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) và Mai Trương Hồng Hạnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng) thực hiện.

Ảnh: Internet

Khoai lang (Ipomoea batatas) giữ vai trò song dụng (dual-purpose) góp phần làm giảm tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng trong hệ thống canh tác hoa màu - chăn nuôi ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đa số nông hộ canh tác khoai lang theo hình thức độc canh, còn lại canh tác luân canh khoai lang với cây lúa và rau màu khác (Nguyễn Thị Hồng Lĩnh và ctv., 2016). Diện tích trồng khoai lang cũng tăng dần từ 5.100 ha (năm 2009) đến 13.800 ha (năm 2019), với sản lượng củ thương phẩm 377,5 ngàn tấn (Tổng cục Thống kê, 2020). Bên cạnh diện tích trồng cũng như sản lượng khoai lang tăng thì nguồn phụ phẩm từ trồng khoai lang cũng phong phú như củ khoai lang phụ phẩm, dây khoai lang,… So với các giống khoai khác, khoai tím Nhật tuy có năng suất củ thấp nhưng được người dân trồng phổ biến nhất do giá bán luôn đạt ở mức cao và lợi nhuận thường cao hơn các giống khoai khác. Quy mô canh tác khoai tím Nhật luôn dao động ở mức cao, chiếm 70-80% diện tích trồng khoai (Nguyễn Trọng Ân, 2013; Nguyễn Thị Hồng Lĩnh và ctv., 2016). Kết quả khảo sát của Phạm Đoàn Yến Bảo (2016) tại huyện Bình Tân cho thấy năng suất chất xanh của dây khoai lang sau khi thu hoạch củ khá cao, dao động từ 2,04 đến 3,03 tấn/ha. Phụ phẩm từ khoai lang như dây và củ khoai lang là nguồn protein chủ yếu, chiếm 15-30% protein thô (CP), và lysine là amino acid giới hạn chủ yếu, nhưng chất lượng tùy thuộc tỉ lệ thân và lá, trong khi lá có thành phần CP cao hơn ở thân (Viện Chăn nuôi, 2001). Không giống như các loại cây họ đậu, nguồn phụ phẩm này không chứa số lượng đáng kể các chất kháng dinh dưỡng, do đó chúng có thể được sử dụng cho bò, dê, cừu, heo, vịt và thỏ ở các hình thức như tươi, phơi khô hoặc ủ chua. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá năng suất và thành phần hoá học của dây và củ khoai lang phế phẩm để đánh giá vai trò và tiềm năng của dây khoai lang và củ khoai lang phụ phẩm làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Nghiên cứu được thực hiện tại 15 hộ trồng khoai lang thuộc xã Tân Thành và xã Thành Lợi thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và Phòng thí nghiệm Kỹ thuật chăn nuôi gia súc nhai lại, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020. Giống khoai lang được nghiên cứu là khoai lang tím Nhật với diện tích khảo sát là 100 m2/hộ. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá năng suất và thành phần hoá học của dây khoai lang và củ khoai lang phụ phẩm nhằm sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đối với dây khoai lang, kết quả cho thấy năng suất chất xanh khá cao, dao động từ 2,04 đến 3,03 tấn/ha. Hàm lượng vật chất khô (DM), khoáng (ash) và protein thô (CP) dao động khá lớn và béo thô (EE) có sự biến động nhỏ, với các giá trị trung bình tương ứng là: 13,67, 11,01, 41,71 và 3,36%. Đối với củ khoai lang phụ phẩm (củ không đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến kích cỡ và các tiêu chuẩn khác), năng suất được ước tính chiếm đến 4,76 tấn/ha, trong khi năng suất củ khoai thương phẩm là 26,97 tấn/ha. Thành phần hóa học củ khoai lang phụ phẩm dao động không đáng kể. Củ khoai lang phụ phẩm có giá trị DM là 27,94%, CP 3,12%, ash 2,97%, ADF 7,78%, NDF 20,84% và EE là 1%.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 5B (2020): 87-92
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ