Đặc điểm động vật đáy trên sông hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Văn Công, Dương Trí Dũng và Huỳnh Công Khánh của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: Internet
Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu tọa lạc bên bờ sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Khu công nghiệp này được thành lập vào năm 2007 với tổng diện tích 290,79 ha. Với vị trí thuận lợi cho giao thông thủy và bộ, KCN đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hiện nay đã có 15 công ty, xí nghiệp đang hoạt động trong KCN (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, 2016). Một số nhà máy lớn vừa mới đầu tư vào KCN này như Nhà máy giấy Lee&Man (giai đoạn 1) và đã đi vào vận hành chính thức đầu năm 2018; nhà máy nhiệt điện Sông Hậu đang xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian rất gần. Nhà máy sản xuất thép của công ty Sun cũng được phê duyệt cho đầu tư vào KCN này. Hiện nay, KCN này vẫn chưa có hệ thống thu gom, quản lý và xử lý chất thải tập trung. Các công ty, xí nghiệp phải tự thu gom, quản lý và xử lý đạt chuẩn xả thải. Nếu hệ thống xử lý nước thải của một hay nhiều nhà máy gặp sự cố sẽ đe dọa nghiêm trọng đến nước mặt sông Hậu. Sông này có vai trò quan trọng trong cung cấp nước cho sinh hoạt và các hoạt động kinh tế xã hội khác của huyện Châu Thành – tỉnh Hậu Giang, huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng, huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh – tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Do đó việc quản lý xả thải của KCN này cần được quan tâm nghiêm ngặt. Quan trắc thông số lý – hóa thường được áp dụng định kỳ để đánh giá chất lượng môi trường. Tuy nhiên, kết quả lý – hóa chỉ phản ánh thực tại khi thu mẫu. Sông Hậu là thủy vực nước chảy nên các chất ô nhiễm khi thải ra sẽ nhanh chóng phát tán xuôi dòng. Vì vậy, việc quan trắc lý hóa định kỳ khó phản ánh được những tác động của hoạt động kinh tế xã hội đến chất lượng nước và ảnh hưởng đến sinh vật. Sinh vật sống có mối liên quan chặt chẽ với môi trường xung quanh. Khi môi trường thay đổi sẽ gây những tác động khác nhau đến sinh vật. Do đó dựa vào quần xã động vật đáy (ĐVĐ) có thể phản ánh được môi trường ĐVĐ sinh sống (Lê Văn Khoa và ctv., 2012). Một số tác giả (Dương Trí Dũng và ctv., 2011; Đoàn Thi Anh Nhu và ctv., 2012; Dương Trí Dũng và Đào Minh Minh, 2013) đã dựa vào ĐVĐ để đánh giá chất lượng môi trường nước mặt. Đoàn Thi Anh Nhu và ctv. (2012) đã từng dựa vào ĐVĐ kết luận nước ở rạch Mái Dầm, Châu Thành, Hậu Giang từ ô nhiễm đến ô nhiễm nặng. Nghiên cứu này được thực hiện từ trước khi xả thải và giai đoạn đầu xả thải của nhà máy Lee&Man. Đây là số liệu rất quan trọng và cần thiết để làm cơ sở cho đánh giá lại môi trường nước khu vực nghiên cứu sau này.
Đặc điểm động vật đáy (ĐVĐ) trên sông Hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được khảo sát nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho đánh giá tác động của hoạt động kinh tế xã hội trong vùng đến môi trường. Mẫu ĐVĐ được thu hàng tháng tại 13 điểm từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018. Kết quả đã phát hiện 3 ngành ĐVĐ, gồm Annelida, Arthropoda và Mollusca. Tổng số loài phát hiện được trong vùng qua các đợt biến động từ 13 – 26 loài. Tháng 6/2017 có số loài thấp nhất và tháng 10/2017 có số loài cao nhất. Ngành Annelida có số loài chiếm tỷ lệ trung bình là 28% trong khi ngành Mollusca có số loài chiếm tỷ lệ trung bình 30,3% và ngành Arthropoda có tỷ lệ trung bình 41,8%. Ngành Arthropoda chiếm ưu thế nhất về mật độ, ngành Mollusca có tỷ lệ thấp nhất. Chỉ số H’ dao động trong khoảng 1,71 – 2,28. Kết quả này phản ánh nước từ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm. Chỉ số H’ ổn định từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 cho thấy nước luôn ở mức ô nhiễm nhẹ như giai đoạn trước khi nhà máy Lee&Man xả thải (tháng 3/2017). Các điểm trong phạm vị nhà máy Lee&Man có chỉ số H’ thấp, thể hiện nước ô nhiễm. Kết quả đề tài là thông tin nền quan trọng để đánh giá tác động của các hoạt động công nghiệp và kinh tế xã hội khác trong vùng nghiên cứu sau này.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 4A (2020): 10-17