Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất trà hòa tan tam giác mạch
Nghiên cứu do các tác giả Lê Bình Hoằng, Vũ Đức Chiến, Bùi Quang Thuật thực hiện.
Nghiên cứu này nhằm xây dựng quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm trà hòa tan tam giác mạch từ nửa thân trên của cây tam giác mạch (có nhiều lá và hoa - bộ phận chứa nhiều hoạt chất sinh học rutin), nâng cao giá trị sử dụng của cây tam giác mạch. Nguyên liệu được thu mua tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tháng 4/2019 đã được phân tích thành phần hóa học theo các tiêu chuẩn Việt Nam và hàm lượng rutin được xác định theo Dược điển Việt Nam V.
Hình minh họa (Internet)
Kết quả cho thấy hoạt chất sinh học rutin trong nguyên liệu cao (khoảng 6% theo khối lượng chất khô). Từ đó, nguyên liệu được lựa chọn, rửa sạch, sấy khô đến độ ẩm < 10% với nhiệt độ sấy: 600C, thời gian sấy: 5 giờ nhằm bảo quản nguyên liệu, nâng cao năng suất và hiệu suất trích ly thu nhận hoạt chất rutin. Sau sấy, nguyên liệu được cắt nhỏ tới kích thước: 4 mm < d ≤ 6 mm và trích ly động 2 lần bằng cồn etylic 70% ở 600C, tỷ lệ nguyên liệu/cồn etylic 70% (kg/lít) : 1/14, thời gian trích ly: 4 giờ/lần. Sau trích ly, cô loại cồn etylic để thu dịch cô đặc (nồng độ chất khô 90Bx), khuấy trộn maltose với dịch cô đặc và sấy phun tạo sản phẩm trà hòa tan tam giác mạch: nhiệt độ sấy phun: 1600C, tốc độ vòng quay đĩa phun: 12.000 vòng/phút, tốc độ bơm cấp liệu: 18 ml/phút. Kết quả của nghiên cứu đã tạo ra được sản phẩm trà hòa tan tam giác mạch có chứa 2,1% rutin theo khối lượng chất khô và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
nttvy
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 24/2020