Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa ‘lên ngôi’ giữa mùa dịch Covid-19
Chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã châm ngòi cho “cuộc cách mạng” công nghệ trong chăm sóc sức khỏe trên thế giới - dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa ở nhiều quốc gia.
Bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân qua màn hình trực tuyến
Thời kỳ đại dịch, trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ của đội ngũ nhân viên y tế và nguy cơ bị lây nhiễm khi đến nơi đông người ngồi chờ khám bệnh, việc tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa là một lựa chọn không chỉ an toàn mà còn hiệu quả.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính nối mạng, người bệnh đã có thể được các bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu khám bệnh. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã “gãi đúng chỗ ngứa” của hàng nghìn bệnh nhân trong bối cảnh “cách ly xã hội” vì dịch COVID-19.
Từ các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần đến chiếc mũ có thể kiểm tra não của bệnh nhân từ xa, các sản phẩm công nghệ phục vụ công tác "điều trị trực tuyến" đang được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu tại Web Summit 2021, một trong những hội nghị công nghệ lớn nhất thế giới, diễn ra trong tuần này tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Sử dụng công nghệ trong điều trị từ xa dường như đã trở thành một chủ đề lớn tại Web Summit 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến hoạt động khám, chữa bệnh trực tiếp trên thế giới.
Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ đưa ra những chẩn trị triệu chứng trên nền tảng kỹ thuật số đối với các bệnh phổ biến như phát ban, cảm lạnh/cúm, UTI... Tính năng này cũng cho phép dễ dàng đặt cuộc hẹn, thay đơn thuốc, tiếp cận các hồ sơ sức khỏe và nhiều tiện ích khác... Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng khác hoạt động theo cách thức tương tự nhưng với tính năng và thông số kỹ thuật khác nhau.
Không thể phủ nhận, công nghệ đã đóng một vai trò lớn trong việc chăm sóc sức khỏe nhất là trong giai đoạn bệnh dịch hoành hành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật số vì lo ngại kết quả điều trị không chính xác.
Những thao tác thăm khám trực tiếp, xét nghiệm máu, nước tiểu... trong điều trị không thể thực hiện được từ xa, vẫn được cho là phương thức chữa bệnh không thể thay thế. Điện thoại thông minh cũng chỉ có thể thay thế được phần nào nhiệm vụ của ống nghe vì bệnh nhân có thể sử dụng microphone để tự thăm khám từ xa. Họ cũng có thể sử dụng một thuật toán để phân tích cơn ho và biết được liệu mình có vị viêm phổi hay không... Nhưng để biết chính xác nguồn cơn căn bệnh và phương thuốc hiệu quả, không gì có thể thay thế được những cách thức khám chữa bệnh truyền thống.
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để được các bác sĩ trực tuyến khám bệnh hay tư vấn cũng không phải là điều đơn giản. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho những người cao tuổi neo đơn đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này càng ngày trở thành vấn đề nan giải. Việc này càng trở nên cấp thiết sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng ở một quốc gia có nền công nghệ hiện đại như Hàn Quốc, vấn đề này đang được xử lý nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Một sản phẩm được phát triển dựa trên công nghệ AI mang tên “Aria” đã được phát triển giúp các nhân viên y tế có thể có mặt nhanh chóng bên cạnh những bệnh nhân cao tuổi neo đơn đang cần giúp đỡ.
Tuy nhiên, các dịch vụ y tế từ xa với các công nghệ mới hỗ trợ đang vấp phải nhiều nghi ngại, thậm chí phản đối do lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư. Tại Hàn Quốc, những tranh cãi về việc hy sinh bảo mật thông tin cá nhân để đổi lấy chất lượng dịch vụ y tế đang ngày càng nóng sau khi có thông tin rằng giới chức Hàn Quốc chuẩn bị trình dự luật cho phép các công ty được tự do hơn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu mà không cần sự đồng ý của người dùng.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các giới chức y tế Anh, châu Âu và một số quốc gia khác đã cập nhật hướng dẫn về tất cả những gì liên quan tới chăm sóc sức khỏe, từ bảo vệ dữ liệu cho tới làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng từ xa. Mỹ cũng bỏ bớt các quy định hạn chế để tiếp cận các dịch vụ Telehealth và giảm các quy định bảo mật riêng tư cho phép người dân sử dụng các nền tảng như Skype và FaceTime...
Điều đáng nói nữa là dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa còn được đánh giá là mở ra cơ hội cho những người nghèo được tiếp cận sự chăm sóc y tế, bởi chi phí phù hợp. Chi phí cho khám bệnh trực tuyến vẫn rẻ hơn so với chi phí khi họ tới bệnh viện.
Bên cạnh đó, vẫn còn một thách thức nữa là dù hình thức khám, điều trị đã thay đổi trong những năm gần đây, nhưng việc ứng dụng các dịch vụ y tế số này còn cần phải được luật pháp ở các quốc gia cho phép.
Hà An