SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Biểu hiện khuynh hướng sử thi trong hồi kí cách mạng Việt Nam

[11/11/2021 14:28]

Nghiên cứu do tác giả Lê Thị Nhiên và Nguyễn Thanh Duy - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Các nhà lí luận văn học đã khẳng định rằng: “Văn nghệ là một hình thái ý thức, một hình thức của nhận thức, do đó, hiện thực là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật và đồng thời cũng là cái chìa khóa giải thích được những hiện tượng phức tạp của nghệ thuật”. Không thể phủ nhận những tác động của đời sống thực tại đối với việc hình thành tư duy nghệ thuật và việc sáng tạo hình tượng trong tác phẩm văn chương. Trước những biến động, đổi thay không ngừng của thực tại, người sáng tác luôn phải nắm bắt hiện thực như giữ những nguồn chất liệu quan trọng để tạo nên thế giới nghệ thuật của riêng mình. Thế giới ấy, ngược lại, bộc lộ được phẩm tính và thế giới quan của chính người sáng tác.

Không thoát khỏi quy luật tất yếu của quá trình phản ánh luận, hồi kí của những người cách mạng được khơi nguồn từ chính hiện thực sinh động của người Việt Nam trong giai đoạn đi tìm đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối tượng nghiên cứu của bài viết là hồi kí của những người yêu nước, người cách mạng viết về quá trình hoạt động trong thời kì bí mật ở nhiều bối cảnh khác nhau; hồi kí về các hoạt động đấu tranh, tuyên truyền cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc, quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Riêng đối với hồi kí của các tướng lĩnh kể về các trận đánh, các chiến dịch lịch sử thì những tác phẩm có kể về quá trình cách mạng ở giai đoạn trước 1945 được lựa chọn để nghiên cứu. Qua việc trần thuật về những điều tai nghe, mắt thấy, hồi kí cách mạng thể hiện đậm nét khuynh hướng sử thi. Xét về tính chất và mức độ phản ánh, bức tranh hiện thực trong hồi kí cách mạng Việt Nam phong phú, rộng lớn và đa diện thông qua trải nghiệm riêng của những người trong cuộc. Họ không viết về một hiện thực nên có mà viết về một hiện thực đã có bằng nhận thức của mình. Đặc biệt, hiện thực trong hồi kí cách mạng là hiện thực được lưu giữ trong tâm thức người kể, hiện thực được thử thách qua thời gian. Những gì được phản ánh trong tác phẩm đều là sự chắt lọc của quá trình nhận thức và khát vọng được tái hiện. Đồng thời, hình tượng nghệ thuật trong hồi kí cách mạng không phải là bức tranh được thu nhỏ trong giới hạn của một hay một vài người mà là hiện thực mang đậm dấu ấn thời đại của dân tộc, đất nước.

Từ xa xưa, sử thi đã được sử dụng để đề cao, ca ngợi những người anh hùng với chiến công hiển hách. Hành động của họ gắn liền với lợi ích dân tộc, nhân cách, tài năng của họ đại diện cho khát vọng của cộng đồng (sử thi Iliat và Odyse của Homer, sử thi Ramayana của Valmiki, sử thi Mahabrata, sử thi Đam Săn,…). Ở thời kì hiện đại, thể loại sử thi không tiếp tục phát triển, tuy nhiên yếu tố sử thi đã được các tác giả sử dụng khá phổ biến, hình thành nên khuynh hướng sử thi, đặc biệt là trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Các sáng tác mang khuynh hướng sử thi thường phản ánh những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đất nước. Nhiều hình tượng kì vĩ về người anh hùng được xây dựng nhằm tôn vinh và ngợi ca khí phách của con người trước sự hung bạo của quân thù. Cho dù là hồi kí thì những vấn đề riêng tư, cá nhân cũng bị làm mờ đi để khắc họa những hình tượng tiêu biểu cho lí tưởng, ý chí và sức mạnh cộng đồng. Bên cạnh đó, giọng điệu trong hồi kí cách mạng mang âm hưởng ngợi ca, thể hiện sự hào sảng, tráng lệ đậm chất sử thi.

Khảo sát hồi kí cách mạng, khuynh hướng sử thi là một đặc điểm quan trọng trong việc phản ánh hiện thực và thể hiện hình tượng con người. Nghiên cứu làm nổi bật biểu hiện của khuynh hướng sử thi của hồi kí qua việc tái hiện những sự kiện trọng đại của dân tộc và xây dựng hình tượng nhân dân với tầm vóc vĩ đại. Đặc điểm này trong hồi kí nói riêng và các thể loại văn học nói chung cho thấy xu hướng vận động và phát triển của văn học cách mạng Việt Nam.

Hồi kí cách mạng lấy quá khứ làm đối tượng phản ánh nhưng mục đích của người sáng tác vẫn hướng đến hiện thực kháng chiến sôi nổi trong cả nước đang diễn ra. Chính vì lẽ đó, những sự kiện trọng đại của đất nước và tầm vóc của nhân dân được thể hiện trong các tác phẩm vừa là kỉ niệm sâu sắc của người viết vừa là nhận thức về vai trò, sứ mệnh của nhân dân đối với những biến thiên của lịch sử. Mặc dù đây là một tiểu loại gắn với nhu cầu tự thuật, tự bộc bạch của cá nhân nhưng tâm điểm của hồi kí cách mạng vẫn là thế giới bên ngoài, là cuộc sống và con người trong một thời kì lịch sử nào đấy mà tác giả mong muốn được tái hiện. Xuất phát từ tư duy hướng ngoại nên hồi kí cách mạng thường tái hiện những hiện tượng có ý nghĩa xã hội quan trọng, gợi lên những nhận thức có lợi ích chung cho mọi người; hình tượng nhân vật trong tác phẩm vì thế cũng được xác định phải có phẩm chất tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng, dân tộc nhằm nêu gương, khích lệ tinh thần chiến đấu. Cảm hứng chủ đạo của hồi kí cách mạng không phải là cảm hứng đời tư mà là cảm hứng ngợi ca cho nên giọng điệu thường hào sảng, hùng hồn. Chính những điều này đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi trong hồi kí của những người cách mạng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6C (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ