SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát tình hình sử dụng thảo dược trong nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) tại Đồng bằng sông Cửu Long

[11/11/2021 14:39]

Nghiên cứu do Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng, nhu cầu và hiệu quả của việc sử dụng thảo dược trong hệ thống nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) lồng bè tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản với diện tích nuôi thủy sản ước tính đạt 811,1 nghìn ha, sản lượng cá nuôi đạt trên 2 triệu tấn và hàng năm cung cấp trên 56% sản lượng cả nước (Tổng cục Thống kê, 2018). Trong số các đối tượng thủy sản được nuôi ở ĐBSCL thì cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài phổ biến, do thịt cá thơm ngon, ít xương và có giá trị dinh dưỡng cao nên được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước. Do đó diện tích và quy mô nuôi cá điêu hồng ngày càng mở rộng và đa dạng về loại hình như nuôi trong lồng bè, ao đất, có thể nuôi đơn, nuôi ghép hoặc nuôi kết hợp. Năm 2015, có khoảng 25,4 nghìn ha diện tích nuôi cá điêu hồng tại Việt Nam với sản lượng đến gần 182 nghìn tấn.

ĐBSCL, cá điêu hồng chủ yếu được nuôi trong lồng bè với số lượng bè nuôi tăng nhanh cùng với mật độ thả nuôi rất cao dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá điêu hồng. Các tác nhân gây bệnh phổ biến cho cá điêu hồng như Streptococcus spp., Flavobacterium columnare, Aeromonas hydrophila, Edwardsiella tarda, Ichthyophitirius multifillis và Tricodina sp. Trong đó, bệnh do vi khuẩn Streptococcus agalactiae xuất hiện với tần suất cao (86,67%) và gây thiệt hại nghiêm trọng đến mô hình nuôi. Khi bệnh xuất hiện người nuôi thường sử dụng hóa chất, kháng sinh để điều trị, tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh không đúng qui định, không đúng liều lượng và kéo dài thời gian sử dụng dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh của các loài vi khuẩn gây bệnh trên cá, ô nhiễm môi trường và tồn lưu kháng sinh trên sản phẩm. Vi khuẩn S. agalactiae kháng cao với các kháng sinh như sulfamethoxazol/trimethoxazol (98,08%), ampicillin (94,23%), axmocillin (100%) và rifampin (100%).

Trước thực trạng đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược đang là một phương pháp phòng bệnh thay thế cho kháng sinh được quan tâm hàng đầu. Ở Thái Lan, chiết xuất xuyên tâm liên có hoạt tính kháng lại vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh trên cá rô phi (Oreochromis niloticus). Lá của cây óc chó (Tetracarpidium conophorum) và củ hành tây (Allium cepa) có khả năng chống lại Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis và Pseudomonas aeruginosa. Gần đây, nước ép lá hẹ (Allium tuberosum) có khả năng kháng vi khuẩn A. hydrophila và Streptococcus sp. với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 27-31 mm và 30 mm. Tuy nhiên, thông tin về các loại thảo dược hiện đang được sử dụng, cũng như nhu cầu và tiềm năng sử dụng các loại thảo dược trong quá trình nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá điêu hồng nói riêng còn hạn chế ở Việt Nam cũng như tại ĐBSCL. Chính vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tình hình và tiềm năng sử dụng thảo dược trong hộ nuôi cá điêu hồng, qua đó cung cấp những thông tin cơ bản làm cơ sở định hướng cho việc sử dụng thảo dược trong nuôi cá điêu hồng ở tương lai.

Số liệu sơ cấp được thu thập một cách ngẫu nhiên thông qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp 60 hộ nuôi cá điêu hồng thương phẩm trong lồng bè (mỗi tỉnh 20 hộ) theo phiếu phỏng vấn đã được soạn sẵn. Nội dung phỏng vấn bao gồm nội dung: (i) đặc điểm hộ nuôi, (ii) tình hình sử dụng thảo dược và (iii) tiềm năng sử dụng thảo dược.

Số liệu thứ cấp về tổng số hộ và diện tích nuôi cá điêu trong lồng bè được tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và báo cáo của các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh An Giang, Vĩnh Long, và Đồng Tháp (khu vực có diện tích nuôi cá điêu hồng lớn ở vùng ĐBSCL).

Kết quả ghi nhận tỉ lệ hộ đang sử dụng thảo dược ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang lần lượt là 70%, 95%, 60%. Có 15 loại thảo dược đã được sử dụng trong quá trình nuôi cá điêu hồng, trong đó tỏi (Allium sativum), atiso (Cynara scolymus), trâm bầu (Combretum quadrangulare), mần ri (Cleome chelidonii) và dây vác (Cayratia trifolia) được sử dụng nhiều nhất. Công dụng của thảo dược được đa số hộ sử dụng là tăng cường khả năng miễn dịch, phòng, trị bệnh do kí sinh trùng và cải thiện chất lượng nước. Mặc dù nghiên cứu chưa đánh giá được chi phí và lợi nhuận giữa hộ có sử dụng và không sử dụng thảo dược, nghiên cứu đã cung cấp được những thông tin cơ bản về hiệu quả và tiềm năng sử dụng thảo dược trong quá trình nuôi cá điêu hồng.

lttsuong

Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6B (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ