Bưởi “Soi Hà” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00109 cho bưởi Soi Hà của Tuyên Quang. UBND Yên Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm các xã: Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn, thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Bưởi Soi Hà khi chín có vỏ màu vàng nhạt, nhẵn và thơm.
Soi Hà là tên một thôn thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nổi tiếng với giống bưởi đường quý hiếm. Cây bưởi ở Soi Hà được trồng cách đây hơn 40 năm, từ 3 cây bưởi tổ (giống bưởi đường), sau đó được nhân giống phát triển đến nay. Về kích thước, quả bưởi Soi Hà có chiều cao và đường kính từ 13 đến 14 cm, nặng 898-1013 g, tỷ lệ phần ăn được đạt 55,5-63,3%, độ Brix 10,78-12,42%, axit hữu cơ tổng số 0,09-0,16%, đường tổng số 8,98-10,85%. Các tính chất đặc thù của bưởi Soi Hà có được là nhờ các đặc thù về điều kiện địa lý. Cụ thể, khu vực địa lý có độ dốc vừa phải, nằm dọc theo sông Lô và sông Gâm. Đất đai tại đây được phù sa bồi đắp hàng năm, tầng đất dày trên 1 m, giàu mùn, độ pHKCL dao động 5,3-6,5, chỉ tiêu CEC trong đất dao động 39,7-42,8 meq/100 g, hàm lượng lân dễ tiêu dao động 13,5-20,2 mg/100 g, hàm lượng kali dễ tiêu dao động 24,3-37,1 mg/100 g.
Ngoài ra, các phương pháp sản xuất đặc biệt của người dân tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù cho bưởi Soi Hà. Sản phẩm được đặc biệt chú trọng về khâu lựa chọn giống. Đây là giống bưởi ngọt (bưởi đường) được tuyển chọn từ cây đầu dòng do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Quy trình canh tác sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ, vì vậy quả bưởi Soi Hà có vị thơm mát tự nhiên.
Công Thường