SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sứ mệnh của đổi mới sáng tạo là giải quyết những vấn đề nóng của xã hội

[17/11/2021 08:38]

Với sự nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Ngoại giao, một trong những điểm nhấn của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia năm nay (TECHFEST Vietnam 2021) là sự tham gia của các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều vai trò khác nhau. Trên tinh thần: TECHFEST Vietnam 2021 là một sợi dây thắt chặt mối liên kết không biên giới giữa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và khát vọng Việt Nam*, Tạp chí đã có cuộc trao đổi với TS Lưu Vĩnh Toàn (Chuyên gia công nghệ Move Digital AG, Thụy Sỹ; Giám đốc các sản phẩm và nền tảng số của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global) về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam và sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động ĐMST trong nước.

Xin ông cho biết những hoạt động chính mà AVSE Global đang tham gia vào việc thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam?

AVSE Global được thành lập năm 2011, trụ sở tại Paris, với mục tiêu kết nối các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có khát vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam. Do đó, ĐMST là mảng hoạt động chúng tôi rất quan tâm và đang thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hoạt động của mình. Cuộc thi Hack4Growth do AVSE Global tổ chức 2 năm qua, với các chủ đề như “Covid Endgame” hay “Start Local, Grow Global” đã đón nhận hàng trăm dự án tham gia từ nhiều nơi trên thế giới để giải quyết các vấn đề lớn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, năng lượng, môi trường, công nghệ... Cuộc thi đã kết nối các dự án ĐMST với hàng chục cố vấn (mentor) người Việt có kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, các thành viên của AVSE Global đã sáng lập và xây dựng nền tảng V-Space (vspace.global). Đây là nền tảng kết nối toàn diện cho hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam bao gồm các dự án, doanh nghiệp, nhân tài, nhà đầu tư, sự kiện, tài liệu hỗ trợ hướng dẫn khởi nghiệp...

Trong 2 ngày 4-5/11/2021, AVSE Global tổ chức diễn đàn One Global Vietnam tại Paris, trong đó Connect2Innovation là một chủ đề trọng tâm để mang lại những ý tưởng, cách thức mới hỗ trợ cho Việt Nam hoà nhập mạnh mẽ hơn vào làn sóng ĐMST của thế giới. Các thành viên của AVSE Global đang tham gia rất tích cực và gắn bó chặt chẽ với các mạng lưới ĐMST người Việt trên thế giới tại nhiều quốc gia có chỉ số sáng tạo hàng đầu thế giới như Thụy Sỹ, Đức, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện tại, AVSE Global đang là đối tác chính của chương trình Global Mentoring for V-Startup, một chương trình do Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) triển khai. Nền tảng V-Space của AVSE Global được lựa chọn là nền tảng chính thức kết nối giữa những người được hướng dẫn và cố vấn. Một số thành viên của AVSE Global cũng tham gia với tư cách cố vấn cho các dự án và startup.

Ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam hiện nay?

Bức tranh về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam hiện nay rất sáng sủa, nhận được sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và tầng lớp thanh niên. Chúng ta có những lợi thế như: thị trường nội địa đông dân, rất tiềm năng, nhiều bài toán lớn cần giải quyết. Đây chính là môi trường thuận lợi để các start-up xuất hiện, vươn lên và có đủ thị trường đón nhận nó. Nền kinh tế của chúng ra vẫn đang phát triển mạnh mẽ tạo nguồn vốn và lực để thực hiện các ý tưởng ĐMST. Trong ĐMST, trí tuệ luôn đóng vai trò quan trọng và tôi luôn tin tưởng vào trí tuệ, khả năng tiếp thu, học hỏi và giải quyết vấn đề của người Việt Nam.

Tất nhiên bên cạnh đó, chúng ta cũng còn có rất nhiều khó khăn: Thứ nhất là khó khăn về chương trình và văn hoá giáo dục. ĐMST ngoài năng lực chuyên môn phải đi kèm với tính ứng dụng thực tiễn, văn hoá làm việc nhóm, văn hoá giao tiếp, phản biện, tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, quản lý tài chính, phát triển và bán sản phẩm. Tinh thần kinh doanh (Entrepreneurship) vẫn là điều còn thiếu trong các chương trình đào tạo ở Việt Nam, nhất là khối các trường kỹ thuật công nghệ, nơi rất nhiều tiềm năng cho các dự án sáng tạo. Thứ hai là khó khăn về hành lang pháp lý cho ĐMST, sở hữu trí tuệ, dữ liệu. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải nhanh chóng, thuận tiện khuyến khích thử nghiệm nhưng cũng phải chặt chẽ để bảo vệ các tài năng và sản phẩm sáng tạo. Các vấn đề như thiếu minh bạch, bất công, tham nhũng, quan liêu hoàn toàn có thể bóp nghẹt sự sáng tạo. Thứ ba là môi trường hỗ trợ ĐMST vẫn đang bị thiếu về chất. Chúng ta có rất nhiều cuộc thi, nhiều ý tưởng, nhiều chương trình, thậm chí nhiều người quan tâm đến đầu tư mạo hiểm. Nhưng những dự án ĐMST rất cần những người có óc sáng tạo (inventor), người hướng dẫn (advisor), nhà đầu tư (investor) có kinh nghiệm đồng hành. Đó không chỉ là những người cấp vốn hay chia sẻ kiến thức mà là những kinh nghiệm, nguồn vốn vào đúng thời điểm, đúng con người, đúng sản phẩm, đúng mức giá trị. Điều này chỉ có thể có với những inventor, advisor hay investor có tầm nhìn và kinh nghiệm “thực chiến”, chứ không chỉ tư vấn hay đầu tư theo phong trào. Hy vọng trong tương lai khi có nhiều start-up thành công, chúng ta sẽ có thêm lực lượng “thực chiến” này để hỗ trợ về chất cho hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.

Trong các khó khăn ông vừa nêu, theo ông đâu là khó khăn lớn nhất và điều đó cần được quan tâm giải quyết như thế nào?

Tôi vẫn nghĩ cách thức giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của ĐMST. Tuy nhiên, đừng nghĩ giáo dục chỉ gói trong trường lớp hay chương trình đào tạo. Học phải đi đôi với hành. Nếu không có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà trường thì rất khó để chúng ta có những sinh viên dám nghĩ, dám làm, những hạt nhân của ĐMST.

Với các chương trình đào tạo tại trường đại học, nếu có doanh nghiệp/doanh nhân hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp/doanh nhân hỗ trợ giảng dạy, phối hợp nghiên cứu phát triển, tôi tin chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên sinh viên có tinh thần kinh doanh và năng lực sáng tạo khởi nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, hành lang pháp lý hỗ trợ ĐMST cũng rất quan trọng, tuy nhiên với các cơ chế sandbox thử nghiệm, giáo dục, nâng cao tư duy phản biện, tìm tòi giải quyết gốc rễ của vấn đề thì chúng ta sẽ dần có các hành lang pháp lý phù hợp hơn để hỗ trợ cho ĐMST trong thời gian tới.

Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, khiến việc khởi nghiệp “đã chông gai lại càng thêm chông gai”. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ giúp cho chúng ta phát hiện thêm những vấn đề về năng lực điều hành, chuyển đổi số, y tế. Trong đại dịch, những “nỗi đau” của xã hội, của con người được bộc lộ. Sứ mệnh của ĐMST trong thời gian tới là tập trung giải quyết “nỗi đau” này. Các giải pháp liên quan đến chuyển đổi số, y tế, giáo dục, làm việc từ xa, thương mại, thanh toán điện tử, logistics sẽ diễn ra quyết liệt và mạnh mẽ hơn. 

Trong bối cảnh như hiện nay, ông có lời khuyên nào dành cho các start-up? 

Mỗi start-up có một đặc thù riêng, một sự sáng tạo riêng nên thực sự khó để có những lời khuyên cho từng start-up cụ thể. Tôi chỉ xin nhấn mạnh lại một số ý, gồm: 

Thứ nhất, luôn phải lắng nghe nhu cầu thị trường để phát triển sản phẩm/dịch vụ phù hợp. Chăm chút cho sản phẩm dịch vụ, tập trung giải quyết “nỗi đau” của xã hội, của người dùng. Khi bạn chăm chút cho thị trường thì chắc chắn thị trường sẽ không phụ công bạn. 

Thứ hai, lên kế hoạch tài chính bài bản để đảm bảo có nguồn thu/chi ổn định, có dự phòng khi có những khủng hoảng xảy ra như đại dịch Covid-19.

Thứ ba, luôn sẵn sàng cho sự  xoay chuyển vì những biến cố có thể đến bất kỳ lúc nào. Covid-19 là cú sốc toàn cầu, nhưng quá trình phát triển start-up luôn có các cú “sốc” khác về nguồn vốn, nhân sự, đối thủ, thị trường, sản phẩm..., hãy có kế hoạch, phương án dự phòng để có thể xoay chuyển tình huống. 

Cuối cùng, dù khó khăn mong các start-up không dễ dàng bỏ cuộc. Nhiều khi người chiến thắng là người tồn tại lâu nhất chứ không phải là người đi nhanh nhất. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các start-up sẽ luôn được ghi nhận là những viên gạch quan trọng xây dựng nên con đường ĐMST, đưa đất nước phát triển.

* Phát biểu của ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, KH&CN (Bộ Ngoại giao) tại Lễ phát động TECHFEST Vietnam 2021.

Minh Nguyệt

https://vjst.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ