Bộ trưởng TT&TT: Nền tảng số giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia số
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10% năm 2021 dù dịch bệnh.
Phát biểu mở đầu Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số vừa diễn ra, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số công ty cũng như doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10% năm 2021 dù dịch bệnh.
"Năm nay cũng có nhiều hơn sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán trong nước, cũng như có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên... Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển chúng là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và nó giữ lại cho chúng ta tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nền tảng số sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia số, thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ trong nước là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Hùng khẳng định, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. "Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động", ông đánh giá. Theo ông, chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Bộ trưởng cũng nhận định chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hóa. Ông giải thích phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng, ví dụ là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ, như dịch vụ gọi xe công nghệ. Còn phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, vì vậy chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định. Chính phủ sẽ có một chiến lược để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam.
"Một trang web quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số sẽ được thiết lập. Chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan toả và đi nhanh", ông Hùng thông tin. Đồng thời, bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cũng sẽ được ban hành trong năm nay, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh và đi đúng hướng.
Trước đó, liên quan tới việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, thực chất, hiệu quả và phải coi trọng việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022.
Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.
Bảo Lâm