Hà Tĩnh: Cần sớm đăng ký và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu huyện Hương Sơn
Với mục tiêu thiết lập và vận hành mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm nhung hươu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh đã đề xuất dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Hươu Sao Việt Nam có tên khoa học Cervus Nippon Pseudaxis, lớp có vú, bộ guốc chẵn, loài nhai lại, họ hươu, là một loài động vật quý của nước ta. Nhung hươu chứa nhiều thành phần vi chất, chủ yếu là Keratin (chất sừng), là một họ các protein cấu trúc dạng sợi, cung cấp sức mạnh và độ dẻo dai cần thiết cho cơ quan nhai. Nhung hươu còn có các chất khác như: Acid amin, cytein, lencin, tyrosin, acid glutamic, arginin, alanin, lysin… và các muối canxi. Nhờ vào những thành phần chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, tốt, bổ dưỡng cho cơ thể, nhung hươu được xem là một trong tứ đại danh dược của nước ta, gồm: Sâm, Nhung, Quế, Phụ.
Nuôi hươu lấy nhung là nghề truyền thống tại một số vùng và địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh. Biết được những giá trị của hươu đem lại, từ những năm 20-30 của thế kỷ XX, người dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu săn bắt hươu rừng và nuôi thuần dưỡng trong gia đình. Nhận thấy giá trị của loài thú quý hiếm này, năm 1976 Nhà nước đã thành lập trại nuôi hươu quốc doanh để phát triển và duy trì ngành nghề truyền thống tại đây.
Hương Sơn có quỹ đất tự nhiên tương đối lớn, khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện để nhiều loại cây, lá mọc tự nhiên đa dạng phong phú, phù hợp với thức ăn của các loại thú rừng, vật nuôi bán thuần dưỡng và cũng là nguồn thức ăn thích hợp nhất cho hươu sao. Nhờ lợi thế về tự nhiên, khí hậu đặc thù và kinh nghiệm chăn nuôi, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh đã xác định hươu sao là một trong những sản phẩm chủ lực. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hương Sơn, từ sau cơn lũ quét năm 2002 (còn lại khoảng 4.000 con), đến nay đàn hươu toàn huyện đã lên tới hơn 32.000 con (tăng 8 lần). Hiện nay, trên địa bàn huyện có tới hơn 8.000 hộ gia đình nuôi hươu, trong đó có 4.000 hộ nuôi 5-10 con, 300 hộ nuôi trên 10 con (cá biệt có 20 hộ nuôi từ 70 con trở lên). Giá trị mỗi con hươu đực hàng năm cho khoảng 15-20 triệu đồng nhung hươu, mỗi con hươu cái hàng năm cho 4-5 triệu đồng (nếu sinh con cái), 15-20 triệu đồng (nếu sinh con đực). Như vậy, đàn hươu của huyện Hương sơn tại thời điểm này mang lại giá trị sản phẩm cho người chăn nuôi trên 200 tỷ đồng/năm. Hiệu quả kinh tế mang lại không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giải quyết việc làm trong khu vực nông thôn tại địa phương.
Kết quả khảo sát sơ bộ của đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho thấy, hươu sao được nuôi chủ yếu ở huyện Hương Sơn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, hết năm 2020, tổng đàn hươu của huyện là 36.600 con, chủ yếu tập trung ở các xã Sơn Quang, Quang Diệm, Sơn Tây, Sơn Trung, Sơn Lâm... Sản lượng nhung hươu năm 2020 của huyện là 14,56 tấn tươi. Nhờ vào sự quan tâm từ chính quyền, các doanh nghiệp và chính những người dân mà người tiêu dùng được biết đến sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ngày càng nhiều và qua nhiều phương tiện khác nhau. Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đang trong quá trình tiếp cận quảng bá sản phẩm, đặc biệt là Internet và các sàn giao dịch thương mại điện tử, số lượng người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đang ngày càng nhiều hơn.
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu tập thể năm 2008. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, sau khi nhãn hiệu tập thể "Nhung hươu Hương Sơn" được bảo hộ, sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn chưa phát triển đúng tiềm năng và lợi thế, sản phẩm chưa xâm nhập sâu và rộng ở thị trường trong nước, thương hiệu chưa giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế và lợi ích kinh doanh sản phẩm. Hiện tượng nhung hươu của các địa phương khác có chất lượng kém, gắn mác thương hiệu nhung hươu Hương Sơn diễn ra tràn lan trên thị trường giai đoạn 2010-2015 đã gây mất niềm tin của khách hàng và ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm; người dân nuôi hươu và kinh doanh sản phẩm nhung hươu ở Hương Sơn vừa phải chủ động trong công tác bảo vệ thương hiệu gắn liền với kinh doanh sản phẩm và vừa phải tự giải quyết vấn đề đầu ra.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nhung hươu Hương Sơn để phát triển đúng với tiềm năng, đồng thời là động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện là việc làm mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực với địa phương. Các kết quả, sản phẩm của dự án sẽ là tài sản quan trọng để địa phương và người dân tiếp tục khai thác tiềm năng sản phẩm, sử dụng sở hữu trí tuệ như là 1 trong những công cụ quyết định trong việc phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
TXB