SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bình Thuận

[15/12/2021 16:29]

Tôm là một trong những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có thời tiết ổn định, bờ biển dài, nước biển trong và độ mặn cao… Bình Thuận có truyền thống sản xuất tôm giống.

Sản phẩm tôm Bình Thuận.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2014 tỉnh Bình Thuận có 150 cơ sở sản xuất giống thủy sản (667 trại); trong đó, sản xuất giống tôm sú 48 cơ sở; sản xuất, ương giống tôm thẻ chân trắng 93 cơ sở. Các cơ sở hầu hết được xây dựng khang trang, có đủ trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề. Một số cơ sở có quy mô lớn, chất lượng tôm giống luôn được chú trọng, giữ vững uy tín trên thị trường cả nước. Đặc biệt, Bình Thuận cũng là tỉnh duy nhất trên cả nước đã thành lập được Hiệp hội Tôm, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận.

Dù là một sản phẩm nổi tiếng cả nước, nhưng tôm Bình Thuận vẫn có những hạn chế trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Nhằm hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bình Thuận gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022, với mục tiêu: 1) chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm được bảo hộ; 2) xây dựng được hệ thống văn bản, công cụ quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 3) thiết lập được mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ.

Để khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của tôm Bình Thuận trên thị trường, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng: một là xây dựng báo cáo cơ sở khoa học, điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quản lý sản phẩm được bảo hộ; hai là hoàn tất bộ hồ sơ đăn ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý; ba là xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ, đồng thời phát triển hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; bốn là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu vùng nuôi trồng, công cụ truy xuất, quản lý chất lượng sản phẩm; năm là nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ thể về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Mai Văn Thủy

https://vjst.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ