Tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo
Đại diện doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ ba điểm nghẽn để huy động nguồn lực doanh nghiệp nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cần tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa
Thu hút nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Trong khuôn khổ Chương trình "Dấu ấn Techfest – Whise 2021" mới diễn ra, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 10%, tương đương 500.000-600.000 chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên. Đây là nguồn lực lớn giúp đóng góp sự phát triển của đất nước.
"Chúng tôi đã tổ chức kết nối tạo thành mạng lưới các Hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới", ông Nam nói.
Sự ra đời của mạng lưới nhằm thu hút tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sức mạnh có thể đóng góp sự phát triển của đất nước. Hiện nhiều chuyên gia kiều bào người nước ngoài làm cố vấn (mentor) để hỗ trợ các startup trong nước.
Còn ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần kết hợp khơi thông nguồn lực trong nước. Theo ông Sơn, cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở chia thành hai nhóm. Nhóm từ bên ngoài vào, doanh nghiệp tìm giải pháp, ý tưởng từ bên ngoài để giải quyết vấn dề của doanh nghiệp. Nhóm từ bên trong ra, có nghĩa các doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng giải pháp nguồn lực của mình cho cộng đồng.
Ông dẫn ví dụ Google đã chia sẻ dữ liệu của mình, gần đây doanh nghiệp đầu tư vườn ươm trong trường đại học phục vụ cho doanh nghiệp và cộng đồng. Cách đây không lâu, ông Elon Musk của Testla tuyên bố các sáng chế của Tesla phải mở cho cộng đồng dùng. Trường đại học, đổi mới sáng tạo mở dựa trên khoa học mở là điều rất tự nhiên. Cần phải tiếp cận mở, dữ liệu mở và mở cho xã hội, các thông tin kết quả khoa học phải mở cho cộng động, mọi người đều có thể khai thác, từ nhà khoa học đến doanh nghiệp, công dân.
Ông Sơn có hai kiến nghị về việc làm sao để các trường đại học, viện nghiên cứu có chính sách có thể thành lập doanh nghiệp Spin Off, các nhà khoa học có thể sử dụng tài sản này để nghiên cứu. Từ phía doanh nghiệp, làm sao sử dụng được quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp để kết nối với các nhà khoa học. "Nếu khơi thông được nguồn lực này sẽ đẩy mạnh được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam", ông Sơn nói.
Tháo gỡ điểm nghẽn để huy động nguồn lực doanh nghiệp
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng tham gia làm bệ đỡ, vườn ươm đổi mới sáng tạo. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp đang đi đầu trong phong trào đổi mới sáng tạo như FPT, các tập đoàn sản xuất đẩy mạnh chuyển đổi số như tập đoàn dệt may...
Ông Lai đề xuất tháo gỡ ba điểm nghẽn để huy động nguồn lực doanh nghiệp nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. "Đầu tư đổi mới sáng tạo rủi ro cao nên không thể yêu cầu doanh nghiệp phải bảo toàn vốn", ông nói và cho rằng quy trình thủ tục thẩm định cần được rút ngắn, bám sát thị trường hơn.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Vinasa, Trưởng ban cố vấn Làng công nghệ Tài chính tại Techfest 2021 cho rằng, đổi mới sáng tạo mang dấu ấn "Made in Việt Nam" càng khó khăn hơn vì cơ sở hạ tầng, về vốn và cả con người. Với mong muốn làm điều gì đó mang dấu ấn Việt Nam, chúng tôi chọn chiến lược làm sản phẩm cho học sinh Việt Nam, người dân Việt Nam và do chính người Việt Nam, từ thiết kế cho đến chế tạo. "Chúng tôi dựa trên hai nền tảng là con người, tập trung nguồn lực kết nối chuyên gia hàng đầu thế giới là người Việt Nam để có thể làm chủ công nghệ, thiết kế mao mạch do người Việt Nam sản xuất, đăng kí bản quyền tại Mỹ", ông Thắng nói.
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, năm 2021, mặc dù bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay).
Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;...
Ông cho biết, hiện Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, công nghệ trong và ngoài nước. Một mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đã được thiết lập.
"Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới", ông nói.
Bảo Lâm