SHTT: Công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích đổi mới sáng tạo
Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 với định hướng mục tiêu đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phát biểu tại giao lưu trực tuyến Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030. Chương trình giai đoạn 2021-2030 đã được xây dựng, phê duyệt với quan điểm đổi mới cách tiếp cận về nội dung, phương án triển khai so với giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, điểm mới của giai đoạn 2021-2030 là nội dung Chương trình bao gồm đầy đủ các hoạt động trong chu trình sở hữu trí tuệ (SHTT) như tạo ra TSTT; bảo hộ quyền SHTT; quản lý và phát triển TSTT; bảo vệ và thực thi quyền SHTT, bao gồm 06 nhóm nội dung:
- Tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT;
- Thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước;
- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT;
- Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT;
- Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT;
- Hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.
Được biết, Chương trình phát triển TSTT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2005 theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 23/4/2005 (và được gọi tắt là Chương trình 68) với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các chủ thể quyền SHTT trong bối cảnh Việt Nam đang trong những năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ và chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật SHTT (2005) và gia nhập WTO (năm 2007).
Đến nay, trải qua 03 giai đoạn (2005-2010, 2011-2015 và 2016-2020), Chương trình 68 đã đạt được những kết quả như:
Giai đoạn 2005-2010: Tổng số có 72 dự án được phê duyệt cho triển khai, trong giai đoạn này, các dự án được phê duyệt và quản lý từ Bộ KH&CN, nhiệm vụ chính của giai đoạn này là tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ biến Luật SHTT; nghiên cứu các lý luận và kinh nghiệm quốc tế và điều tra, khảo sát đánh giá về bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương và hỗ trợ phát triển TSTT.
Giai đoạn 2011-2015: Tổng số có 203 dự án, bao gồm: 87 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 156 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý.
Giai đoạn 2016-2020: Tổng số có 269 dự án, bao gồm: 52 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 217 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý.
Hồng Anh