Phân tích hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo ở vùng biển đông Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do Khoa Thủy sản và Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Bài viết ước lượng hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo ở vùng biển Đông Đồng bằng sông Cửu Long bằng mô hình hàm sản xuất biên ngẫu nhiên dạng translog.
Hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam có vai trò góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, với sản lượng thủy sản khai thác từ 3,1 triệu tấn và giá trị xuất khẩu là 2,2 tỷ USD trong năm 2015 và tăng đến 3,8 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu là 3,2 tỷ USD trong năm 2019. Ngoài ra, khai thác thủy sản đã tạo ra một nguồn thực phẩm lớn cho tiêu thụ trong nước và tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho cộng đồng dân cư vùng ven biển. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có dân số 17,8 triệu người, chiếm 18,8% tổng dân số của cả nước với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và vùng ven biển. ĐBSCL có sản lượng thủy sản khai thác thủy sản chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thủy sản khai thác của Việt Nam và trong đó sự đóng góp từ sản lượng hải sản là 26,4%, vì vậy cộng đồng dân cư ở vùng này phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên thiên nhiên, trong đó có hoạt động khai thác hải sản.
Các tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu là những tỉnh phát triển mạnh về hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nghề lưới kéo và lưới rê là hai loại nghề khai thác phổ biến, chiếm 60,9% tổng lượng tàu của vùng. Nghề lưới kéo là nghề khai thác thủy sản chiếm tỷ trọng cao nhất, với 40,9% số lượng tàu thuyền khai thác của vùng. Quy mô khai thác thủy sản ở ĐBSCL là quy mô nhỏ và khai thác ven bờ, chiếm khoảng 53,3% số tàu đánh cá. Ngoài ra, thu nhập của hộ ngư dân khai thác được tích lũy chính từ hoạt động khai thác thủy sản với hơn 80% tổng thu nhập của hộ. Trong khi đó, định hướng quy hoạch phát triển ngành thủy sản cho thấy lĩnh vực khai thác thủy sản được đặt ra là tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề và ngư trường, trong đó nghề lưới kéo ven bờ được khuyến khích hạn chế phát triển và không cho đóng mới cũng như khuyến khích các tàu lưới kéo ven bờ khai thác kém hiệu quả chuyển đổi nghề, đặc biệt phát triển khai thác xa bờ. Để có cơ sở sắp xếp và phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với chính sách và điều kiện của ngư dân, việc cung cấp thông tin và tính toán hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo ven bờ là cần thiết.
Nghiên cứu sử dụng số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp các hộ ngư dân làm nghề lưới kéo có chiều dài tàu từ 12 m đến dưới 15 m ở hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng (đại diện cho vùng biển Đông ĐBSCL) từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2020. Vùng khai thác thủy sản của tàu lưới kéo có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m là vùng lộng. Các tàu khai thác được chọn phỏng vấn một cách ngẫu nhiên dựa vào danh sách tàu lưới kéo có chiều dài từ 12m đến dưới 15 m được cung cấp từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tổng số quan sát là tàu, trong đó tỉnh Bạc Liêu là 30 tàu và tỉnh Sóc Trăng là 30 tàu. Trong quá trình phỏng vấn, các cán bộ địa phương hướng dẫn tìm các hộ đã được chọn ngẫu nhiên để phỏng vấn. Các số liệu về khía cạnh kỹ thuật và tài chính được ghi nhận ở năm 2019.
Sản lượng thủy sản khai thác tàu lưới kéo là 643 kg/chuyến biển và 18,9 tấn/năm và năng suất khai thác là 352 kg/CV/năm. Chi phí hoạt động khai thác là 316 triệu đồng/năm với thu nhập mang về 608 triệu đồng/năm, lợi nhuận là 292 triệu đồng/năm và tỷ suất lợi nhuận là 1,00 lần.
Cơ cấu chi phí biến đổi của nghề lưới kéo
Mức hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo vùng biển Đông ĐBSCL đạt mức khá cao (86,3%). Các đặc điểm của thuyền trưởng, tàu khai thác và nguồn vốn sản xuất là các yếu tố quan trọng có tác động đến phi hiệu quả kỹ thuật trong khai thác thủy sản. Thuyền trưởng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong khai thác thủy sản thì có khuynh hướng hiệu quả hơn so với người ít trải nghiệm, trong khi tuổi và trình độ học vấn càng cao thì khai thác hải sản có xu hướng không hiệu quả. Tàu khai thác mới có hiệu quả hơn so với tàu cũ cũng như nguồn vốn vay có hiệu quả cao hơn so với vốn tự có.
Mức hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo vùng biển Đông ở ĐBSCL
Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin cơ bản về hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo nhưng vẫn còn một số đặc điểm về trữ lượng nguồn lợi thủy sản, mùa vụ và công nghệ của thiết bị sử dụng trên tàu chưa được quan tâm. Mặt khác, sự quản lý nghề cá mang tính ổn định và phát triển khi hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối và hiệu quả kinh tế được xem xét. Các nghiên cứu tiếp theo phân tích đầy đủ hơn là cần thiết, giúp việc quản lý nghề cá ven bờ ngày càng phát triển ổn định và phù hợp với chính sách phát triển của ngành.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 6D (2021)