Nghiên cứu sự hài lòng khi tham gia hợp tác xã của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang
Nghiên cứu này nhằm đánh giá mức độ hài lòng khi tham gia hợp tác xã (HTX) của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang. Số liệu sơ cấp được thu thập qua khảo sát trực tiếp 107 hộ trồng lúa có tham gia HTX.
Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long có 140.200 ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 87,53% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Với đặc thù kinh tế là nông nghiệp nên phần lớn dân cư chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Một trong những liên kết quen thuộc với bà con nông dân đó chính là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, tính đến năm 2020 toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 200 HTX, trong đó có 175 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi tham gia HTX, nông hộ có thể nhận được những lợi thế về nhiều mặt. Đầu tiên là vật tư đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. HTX có thể nhập được với khối lượng lớn nên giá vật tư rẻ hơn và cũng đảm bảo chất lượng đồng nhất so với từng hộ mua riêng lẻ. Để theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), từng hộ cá thể khó có khả năng tiếp cận được với các khóa tập huấn, HTX thường là cầu nối giúp các chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT dễ dàng đến với nông dân. Đối với quy hoạch sản xuất, HTX đảm bảo được lợi ích lâu dài, thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh trước mắt và lâu dài, khả năng nắm bắt được nhu cầu thị trường, đảm bảo ổn định bao tiêu sản phẩm đầu ra. Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thông qua HTX nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như xây dựng công trình giao thông, mạng lưới điện, nhà kho, xưởng chế biến. Đây là những lợi thế lớn mà nếu tự sản xuất cá nhân mỗi hộ nông dân khó có thể làm được. Phần lớn nông sản ở Việt Nam đa phần đều xuất qua thị trường Trung Quốc, nhưng từ đầu năm 2020 do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho hầu hết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường này bị đình trệ. Bên cạnh đó, tình hình giá cả cũng lên xuống thất thường, nên nông hộ sau khi thu hoạch nông sản khó có thể bán ra thị trường; hay bán được nhưng với mức giá rất thấp. Do đó, so với những nông hộ không tham gia liên kết HTX thì những nông hộ tham gia HTX sẽ đảm bảo được đầu ra cũng như ổn định về giá cả hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, trong 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Hậu Giang vẫn hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực kinh tế tập thể phát triển, cụ thể là quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh đã giải ngân được 5 dự án cho HTX với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng, từ nguồn vốn đó đã giúp cho HTX được vay vốn có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết thêm việc làm cho lao động, từ đó tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các nông dân. Như vậy, việc khuyến khích người dân tham gia HTX nông nghiệp hiện nay là rất cần thiết.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đã chỉ ra những khó khăn về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như còn nhỏ lẻ, phân tán, mô hình liên kết phát triển chậm, thiếu tính bền vững, vai trò của HTX thực sự chưa được phát huy đúng mức, tình hình hoạt động của HTX trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân không tin tưởng vào HTX, chưa thấy rõ được sự hiệu quả hoạt động của HTX cũng như chưa thật sự hiểu rõ về mô hình HTX. Do đó, nông dân chưa mạnh dạn liên kết sản xuất tập trung theo mô hình HTX, tổ hợp tác. Trong khi đó, việc này cần xuất phát từ chính nguyện vọng của người dân. Do đó, việc tìm hiểu mức độ hài lòng và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân khi tham gia HTX là cần thiết, giúp tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi khiến cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa hoặc không tham gia. Những thông tin này sẽ giúp tìm ra những hướng giải quyết trong dài hạn để nâng cao nhận thức về liên kết, thu hút người dân tham HTX. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, số lượng nông dân tham gia vào HTX chưa nhiều, HTX chưa tạo được động cơ khiến nông hộ sản xuất tiêu thụ trong các mô hình liên kết. Điều này là do phần lớn các HTX hoạt động đạt lợi nhuận chưa cao, các HTX hoạt động còn mang tính phong trào và hình thức. Hầu hết các HTX này có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu định hướng về kế hoạch phát triển, thiếu tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở pháp luật. Những lý do này làm cho người dân còn e ngại chưa muốn tham gia HTX. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hài lòng khi tham gia hợp tác xã của nông hộ, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích nông hộ tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp, góp phần giúp người nông dân có thu nhập ổn định, củng cố và ngày càng phát triển hơn nữa hoạt động HTX trong thời gian tới. Trong khi đó, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia HTX, chưa phân tích mức độ hài lòng của chính nông hộ khi tham gia HTX. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào các nghiên cứu hiện tại về mức độ hài lòng. Đây cũng chính là những luận cứ khoa học đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, mở rộng quy mô và số lượng thành viên trong thời gian tới, từ đó làm cơ sở thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về mở rộng kinh tế tập thể trong thời gian tới lấy HTX làm nòng cốt.
Mô hình sự hài lòng
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nông hộ đối với HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nghiên cứu được thực hiện tại bốn huyện Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy và Phụng Hiệp tại tỉnh Hậu Giang do ở đây có các mô hình liên kết đang được triển khai và có diện tích trồng lúa lớn so với các huyện khác trong tỉnh. Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên có điều kiện được sử dụng với số lượng điều tra gồm 107 quan sát là nông hộ có tham gia HTX.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Kết quả nghiên cứu cho thấy nông hộ hài lòng khi tham gia HTX với điểm trung bình là 4,29/5. Kết quả phân tích nhân tố (exploratory factor analysis - EFA) và hồi qui bội cho thấy sự hài lòng được quyết định bởi bốn nhóm nhân tố gồm sự đảm bảo, hiệu quả do qui mô, trách nhiệm và trình độ của ban quản lý, cải thiện thu nhập và việc làm. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, một số giải pháp cải thiện hoạt động liên kết hiện nay với vai trò của HTX làm nòng cốt được đề xuất. Từ đó, người dân được khuyến khích tham gia liên kết nhiều hơn thông qua việc nâng cao trình độ quản lý HTX; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 6D (2021)