SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự tích lũy của một số kim loại nặng ở vịt bị phơi nhiễm với kim loại nặng trong nước nuôi

[28/02/2022 15:24]

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định sự tích lũy sinh học của các kim loại nặng (KLN) (Cu, Zn, Hg, Pb và Cd) trong 15 mô và cơ quan nội tạng khác nhau (não, cơ ức, xương ức, cơ đùi, xương đùi, máu, tim, phổi, mề, gan, ruột, lách, tụy, mật và thận) của vịt nhà được phơi nhiễm với các KLN trong nước nuôi với nồng độ tương đương giới hạn qui định trong Cột B của QCVN 40:2011/BTNMT.

Ngày nay, song song với quá trình phát triển kinh tế và xã hội luôn đi kèm theo đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm kim loại nặng (KLN) trong môi trường nước, nơi diễn ra hoạt động sống của nhiều sinh vật, trong đó có các loài thủy cầm như vịt. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi Việt Nam năm 2020, tổng đàn vịt trên cả nước là 82.536.000 con, với hình thức chăn nuôi thả chạy đồng với quy mô nhỏ là 7,9 triệu hộ (89,62%). Khi vịt sống trong môi trường ô nhiễm bởi các KLN như thủy ngân (Hg), chì (Pb), cadimi (Cd), đồng (Cu) và kẽm (Zn) trong thời gian dài có thể bị tích lũy các KLN này vào trong cơ thể thông qua nguồn nước uống cũng như nguồn thức ăn từ các sinh vật sinh sống trong môi trường nước ô nhiễm. Do đó, đề tài này được thực hiện nhằm xác định sự tích lũy của năm KLN (Hg, Pb, Cd, Cu và Zn) trong các mô và cơ quan của vịt được nuôi trong môi trường nước bị phơi nhiễm kim loại nặng.

Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên gồm hai nghiệm thức (NT): đối chứng (không phơi nhiễm, ĐC) và phơi nhiễm (PN), mỗi NT được lặp lại ba lần. Vịt được phân phối ngẫu nhiên với mật độ 10 con vào chuồng nuôi và nuôi trong 8 tuần. Khi vịt được phơi nhiễm các KLN (Cu, Zn, Hg, Pb và Cd) qua nước nuôi với nồng độ bằng với giá trị giới hạn trong theo QCVN 40:2011/BTNMT trong thời gian 8 tuần, trong các mô và cơ quan nội tạng của vịt đã thấy có sự tích lũy các KLN này, đặc biệt là các kim loại có độc tính cao như Hg, Pb và Cd.

Kết quả cho thấy hàm lượng của các KLN, nhất là Hg, Pb và Cd, trong các mô và cơ quan của vịt ở nghiệm thức đối chứng thấp hơn nghiệm thức phơi nhiễm. Mức độ tích lũy KLN cao nhất tìm thấy trong gan và thận. Ở nghiệm thức PN, hàm lượng Pb trong thận và xương và Cd trong gan và thận cao hơn giới hạn ô nhiễm của các KLN này trong thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam và Cộng đồng châu Âu. Nghiên cứu này chứng minh rằng đã có sự tích lũy KLN trong vịt mặc dù chúng được phơi nhiễm với nồng độ tương đối thấp trong nước nuôi. Do đó, cần có những nghiên cứu tiếp theo về tích lũy sinh học of KLN trong vịt nuôi cũng như các loài chim thủy sinh.

Theo journal.hcmuaf.edu.vn - Số 04/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ