Đánh giá thực trạng sản xuất lâm nghiệp của hộ gia đình tại Tây Nguyên
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thu Thùy, Trần Đức Viên, Nguyễn Thanh Lâm và Nông Hữu Dương thuộc Khoa Tài nguyên và Môi Trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Lâm nghiệp Tây Nguyên chiếm vị trí quan trọng trong ngành Lâm nghiệp của cả nước, trong phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và đối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, bão lụt và hạn hán. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ NN&PTNT (2019), vùng Tây Nguyên hiện có 3,08 triệu hecta đất lâm nghiệp; trong đó đất rừng là hơn 2,55 triệu hecta, độ che phủ rừng là 46,01%. Đây là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước (chiếm 17,65%) nên có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, rừng khu vực này vẫn đang tiếp tục bị suy giảm không chỉ về mặt chất lượng mà diện tích vùng rừng cũng bị thu hẹp. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng ở Tây Nguyên là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Tính đến hết năm 2018, diện tích đất lâm nghiệp hiện đang bị các hộ lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp (gồm cây công nghiệp và cây nông nghiệp) là 208.265ha. Trước tình hình đó, ngày 18/3/2019, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030” theo quyết định số 297/QĐ-TTg nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng.
Hình: minh họa (Nguồn: internet)
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất lâm nghiệp của hộ tại Tây Nguyên. Nghiên cứu phỏng vấn bán cấu trúc 175 hộ có trồng cây lâm nghiệp và phỏng vấn sâu 28 cán bộ chủ chốt.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình trồng xen cây lâm nghiệp + cây công nghiệp +/cây ăn quả hiện được áp dụng phổ biến nhất. Thành phần loài cây lâm nghiệp được trồng trong hệ thống sử dụng đất của hộ tương đối đa dạng (23 loài cây chính), trong đó Bời lời đỏ (Litsea glutinosa), Muồng đen (Cassia siamea), Gòn (Ceiba pentandra), Mắc ca (Macadamia integrifolia) là nhóm loài cây lâm nghiệp chủ đạo được nhiều hộ lựa chọn trồng. Tuy nhiên, thiếu đất canh tác, thiếu vốn để duy trì hệ thống và hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lâm nghiệp thấp hơn so với các loài cây khác được xem là những rào cản chính trong phát triển sản xuất lâm nghiệp của các hộ đồng bào vùng Tây Nguyên. Hộ có xu hướng ưu tiên lựa chọn loài cây gỗ đa tác dụng hay các loài cây lâm sản ngoài gỗ để trồng trong hệ thống sản xuất của họ.
ctngoc
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2022, 20(3): 341-349