Công nghệ giúp chuyển chất thải hạt nhân thành gốm
Bằng công nghệ đặc biệt, các nhà khoa học tại Nga đã xử lý chất thải hạt nhân thành gốm và ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Ảnh minh họa
Năng lượng hạt nhân được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng sạch nhất với lượng khí thải carbon thấp. Tuy nhiên, việc sử dụng loại năng lượng này vẫn vấp phải sự phản đối ở một số quốc gia vì lo ngại chất thải phóng xạ - một sản phẩm phụ của năng lượng hạt nhân.
Chất thải từ năng lượng hạt nhân là hỗn hợp bao gồm các chất như nguyên tố phóng xạ, gỗ, vải và giấy. Để giảm thiểu tác động của những vật liệu này đến môi trường và ngăn phát tán chất độc hại vào bầu khí quyển, các nhà khoa học thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông Nga hợp tác với Viện Hóa học Tổng hợp Quốc gia Belarus đã phát minh ra phương pháp an toàn và hiệu quả để lưu trữ, xử lý chất thải phóng xạ. Bản chất của hoạt động này là biến những chất liệu thải này thành gốm.
Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ cải tiến dựa trên loại chất hấp thụ mới có thể tập trung hạt nuclit phóng xạ trong các vật liệu khác nhau và biến chúng thành gốm bằng phương pháp gia nhiệt đặc biệt.
“Những sản phẩm gốm được tạo ra có thể sử dụng cho ngành công nghiệp không gian, y học và các ngành công nghiệp khác nhau. Có thể nói đến ứng dụng sản xuất các thiết bị y tế, như máy chụp X-quang, thiết bị cho xạ trị. Vật liệu gốm cũng được sử dụng làm cơ sở cho các thiết bị dòng điện, như pin hạt nhân”, thông cáo báo chí viết.
Bên cạnh đó, công nghệ mới giúp làm sạch nước bị ô nhiễm một cách hiệu quả và an toàn. Dưới nước, chất hấp thụ tổng hợp đóng vai trò như một nam châm hút các hạt nuclit phóng xạ. Chính vì vậy, thành phần phóng xạ độc hại sẽ được tách khỏi nước.
Theo Artur Drankov, tác giả của nghiên cứu, chất hấp thụ trong hóa học phóng xạ không chỉ có thể tách hạt nuclit phóng xạ khỏi vật liệu mà còn đảm bảo an toàn tối đa khi xử lý.
Bảo Lâm