Ảnh hưởng của kỹ thuật xử lý hạt đến khả năng nhân giống cây mã tiền lông (Strychnos ignatii Berg.) tại Thái Nguyên
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên), Đỗ Hoàng Chung (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên), Hà Đức Mạnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn) và Nguyễn Thế Cường (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên) thực hiện.
Mã tiền lông (Strychnos ignatii Berg.) thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae), bộ Long đờm (Gentianales) được phân bố ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines với các tên gọi khác nhau ở từng nước như Peninsular (ở Malaysia), Saint Ignatius bean (ở Anh), Phayaa mue lek (ở Thái Lan), Katbalonga (ở Philippines), Feves de Saint-Ignace (ở Pháp), Pepita de San Ignacio (ở Tây Ban Nha).
Ở Việt Nam, Mã tiền lông còn được gọi là Đậu gió, Dây gió và phân bố ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Quảng Trị, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai. Hạt và thân cây Mã tiền lông được khai thác để chiết xuất stricnin. Trên thế giới trong khoảng 90 loài thuộc họ Mã tiền chỉ có 6 loài có có chứa stricnin trong đó gồm cả loài Mã tiền lông (Strychnos ignatii Berg), ở Việt Nam hạt của cây Mã tiền lông (Strychnos ignatii Berg) được đánh giá là loài cåy dược liệu có giá trị và được khai thác làm nguyên liệu chiết xuất bruxin do trong hạt có chứa bruxin và stricnin.
Hình minh họa (Nguồn: internet)
Cây Mã Tiền lông được xác định là loài ở mức “bị đe dọa” (Bậc T), cần khoanh vùng bảo tồn tại chỗ và thu thâgp cây giống về trồng ở vườn để bảo tồn chuyển chỗ. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho đã phân loại và xác định được 24 loài thực vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, trong đó nguồn gen cây Mã tiền lông được đánh giá ở mức VU - Sẽ nguy cấp, cần được nghiên cứu bảo tồn. Qua điều tra đánh giá tại 6 huyện (Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy trữ lượng cây Mã tiền lông trong thời gian trước đåy rất nhiều, đến thời điểm hiện nay trữ lượng nguồn gen cây Mã tiền lông tại khu vực nghiên cứu còn rất ít và khả năng tần xuất bắt gặp cây Mã tiền lông trong tự nhiên là rất hiếm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm nguồn gen Mã tiền lông trong tự nhiên là do tình trạng chặt phá rừng để trồng keo, trồng cåy ăn quả và làm nương rẫy, cũng như hiện tượng khai thác tận diệt của người dân, dẫn đến nguy cơ suy giảm và có thể tuyệt chủng nguồn gen Mã tiền lông quý hiếm của địa phương. Hạt của cây Mã tiền lông (S. ignatii Berg.) và các loài khác thuộc chi Strychnos, họ Mã tiền (Longaniaceae) được sử dụng làm dược liệu để trị phong thấp, tê, bại liệt, đau khớp dạng phong thấp, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh, sưng đau do sang chấn, nhọt độc sưng đau. Do là loại dược liệu quý, người dân khai thác tận diệt nên số lượng cá thể trong tự nhiên ngày càng ít, do đó rất cần có các biện pháp nghiên cứu để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của địa phương.
Thí nghiệm được tiến hành nhằm mục đích xác định được kỹ thuật xử lý hạt giống thích hợp cho nhân giống cây Mã tiền lông bằng hạt. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh với 3 lần nhắc lại gồm các công thức: Công thức 1 (Không xử lý hạt giống - đối chứng), công thức 2 (Xử lý hạt giống bằng bào mòn cơ học), công thức 3 (Xử lý hạt giống bằng H2SO4 nồng độ 50% trong 30 giây), công thức 4 (Xử lý hạt giống bằng ngâm ủ vào cát). Kết quả nghiên cứu cho thấy công thức 4 (Xử lý hạt giống bằng ngâm ủ vào cát) cho kết quả tốt nhất về tỉ lệ nảy mầm (98,9%) và tỉ lệ cây xuất vườn (85,6%). Cả công thức 4 (Xử lý hạt giống bằng ngâm ủ vào cát) và công thức 2 (Xử lý hạt giống bằng bào mòn cơ học) đều cho chiều cao cây và số lá trên cây cao hơn so với công thức 1 (không xử lý hạt giống) một cách chắc chắn ở mức độ tin cậy 95%. Từ kết quả nghiên cứu trên, đề xuất áp dụng công thức 4 (Xử lý hạt giống bằng ngâm ủ vào cát) trong nhân giống cây Mã tiền lông tại Thái Nguyên.
ctngoc
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2022, 20(1): 18-23