Đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng đa dạng nguồn tài nguyên cây làm thuốc ở Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng, từ đó làm cơ sở cho việc sử dụng, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc tại đây. Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA, điều tra thực địa, so sánh hình thái để phân loại và tra cứu các tài liệu chuyên ngành về cây làm thuốc.
Ảnh minh họa
Kết quả đã xác định được 603 loài thuộc 418 chi của 134 họ trong 3 ngành thực vật. Ngành ngọc lan (Magnoliophyta) chiếm 97,18% tổng số loài, 96,41% tổng số chi và 89,55% tổng số họ khảo sát được. Ba loài có tên trong "Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam" (2006), "Sách đỏ Việt Nam" (2007) và Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Các cây thuốc thu được thuộc 8 dạng sống và phân bố trong 7 sinh cảnh, hầu hết tìm thấy ở sinh cảnh vườn (vườn nhà, vườn cây ăn trái và vườn thuốc nam). Có 10 bộ phận của cây được sử dụng để chữa trị cho 36 nhóm bệnh. Có 25 loài cây thuốc được người dân địa phương sử dụng nhiều nhất.
Nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về cây thuốc được xem là tài sản rất có giá trị của mỗi quốc gia. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 70% đến 95% người dân sống ở các nước đang phát triển chủ yếu dựa vào nền Y học cổ truyền để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trong đó chủ yếu là thuốc từ cây cỏ (WHO, 2011, as cited in Muhammad, 2011), và việc kinh doanh cây thuốc có thể mang lại 15% đến 30% tổng thu nhập cho các hộ gia đình nghèo (Hamilton, 2004). Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 30% số bệnh nhân trong cả nước được khám và điều trị bằng Y học cổ truyền. Ngành y tế đã phối hợp với Hội Đông y tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân trồng, sử dụng những cây thuốc sẵn có ở địa phương, những bài thuốc đơn giản để tự phòng và chữa một số bệnh thông thường (Thủ tướng Chính phủ, 2003). Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, có một số nội dung cơ bản như khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
CLD là một huyện ven biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, được bao bọc bởi sông Hậu và biển Đông cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt như sông Cồn Tròn, sông Bến Bạ, rạch Long Ẩn, rạch Kinh Đào, Kinh Đình Trụ, rạch Tráng… Do đó, CLD có nguồn nước mặt dồi dào và có hệ thực vật rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loài cây có giá trị sử dụng khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây làm cảnh, cây làm rau, cây làm đồ dùng thủ công mỹ nghệ... đặc biệt là các loài cây làm thuốc. Tuy nhiên, do tri thức sử dụng cây thuốc của người dân địa phương chủ yếu là gia truyền, chỉ tập trung vào một số loài trong khi số lượng loài cây có thể dùng làm thuốc trong tự nhiên lại rất nhiều mà người dân chưa biết, vì cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về điều tra, thống kê thành phần loài cây làm thuốc có ở CLD. Những nghiên cứu ở CLD chủ yếu về đa dạng động vật và thực vật phiêu sinh ở vùng rừng ngập mặn (Liên và ctv., 2013; Trang và ctv., 2020). Mặt khác, nguồn tài nguyên thực vật nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng ở CLD hiện nay đang chịu tác động rất lớn bởi sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan của thời tiết (Phu et al., 2018) cùng với sự khai thác, xâm lấn đất rừng để canh tác và sự phát triển của các loại hình dịch vụ du lịch làm cho nguồn tài nguyên cây thuốc tự nhiên đang ngày bị suy thoái, nhiều cây thuốc đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, trong khi sự tái sinh của chúng trong môi trường tự nhiên lại rất chậm và khó có khả năng hồi phục. Chính vì vậy, việc điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc hiện có ở CLD là rất quan trọng, từ đó có thể cung cấp cho người dân những tri thức hữu ích về việc sử dụng và bảo tồn có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên cây thuốc, góp phần trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở CLD.
nqhuy
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 58, Số 3A (2022): x-x