So sánh hiệu quả đồng vốn của hộ sản xuất lúa theo qui mô đất khác nhau tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
Canh tác lúa là hoạt động sử dụng tài nguyên đất đai lớn nhất ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nhưng qui mô canh tác không đều ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Mục tiêu của bài viết này là so sánh hiệu quả đồng vốn theo qui mô đất của mô hình sản xuất lúa ba vụ thông qua phỏng vấn 90 nông dân tại huyện Vũng Liêm, chia thành 3 nhóm theo qui mô đất ít, trung bình và nhiều.
Thống kê mô tả và phân tích phương sai một nhân tố được sử dụng để phân tích và so sánh dữ liệu thu thập. Kết quả cho thấy trồng lúa mang lại lợi nhuận và việc làm cho nông dân. Hiệu quả đồng vốn có tính công lao động nhà tăng dần từ 0,65 ở nhóm đất ít lên 0,77 ở nhóm đất trung bình và 0,88 ở nhóm đất nhiều (P<0,05). Như vậy, tăng qui mô đất trên hộ là một trong những giải pháp để tăng hiệu quả đồng vốn. Tuy nhiên, điều này cần phải cân nhắc vì nhóm đất ít sẽ mất cơ hội sử dụng lao động nhà. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho việc mở rộng qui mô diện tích, song song đó là các chính sách tạo việc làm cho những nông dân canh tác lúa đất ít, lớn tuổi, trình độ thấp chuyển đổi sang các hoạt động sinh kế phù hợp.
Lúa là cây trồng chính phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của nông dân ở tỉnh Vĩnh Long nói chung và huyện Vũng Liêm nói riêng. Theo thống kê năm 2019, diện tích đất trồng cây hàng năm của tỉnh là 73,0 ngàn ha thì đất trồng lúa chiếm đến 98,2%, tỷ lệ này tương ứng ở huyện Vũng Liêm là 98,5% trong tổng số 14,5 ngàn ha đất trồng cây hàng năm của huyện (Cục Thống kê Vĩnh Long, 2019). Tại Vũng Liêm, với diện tích đất lúa 14,3 ngàn ha thì diện tích gieo trồng cả năm lên đến 36,5 ngàn ha, tương đương 2,6 vụ/năm; nói khác đi, hầu hết diện tích đất lúa được nông dân trồng thâm canh ba vụ trong năm, mang lại sản lượng cao và tăng thu nhập cho người trồng lúa (Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm, 2019). Tuy nhiên, qui mô canh tác lúa còn nhỏ lẻ. Thật vậy, trong tổng số 20.029 hộ sử dụng đất lúa của huyện, có đến 55,8% qui mô nhỏ hơn 0,5 ha, chỉ có 2,0% qui mô từ 2,0 ha trở lên (Chi cục Thống kê Vũng Liêm, 2018). Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy qui mô canh tác nhỏ sẽ khó áp dụng khoa học kỹ thuật, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất (Huy, 2009; Hoppe, 2014; Heryono et al., 2016; Dang, 2017).
Tuy nhiên, thực tế tích tụ ruộng đất để mở rộng qui mô sản xuất ở Việt Nam còn vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý và lo ngại những bất ổn trong nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, 2017). Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa (Huy, 2009; Hoppe, 2014; Heryono et al., 2016; Dang, 2017), so sánh hiệu quả đồng vốn canh tác lúa trong và ngoài hợp tác xã (Thoa, 2019) hay so sánh giữa mô hình truyền thống và mô hình cánh đồng mẫu lớn (Linh và ctv., 2017) mà chưa có những so sánh giữa các nhóm hộ qui mô canh tác khác nhau. Do đó, kết quả nghiên cứu về so sánh hiệu quả đồng vốn theo qui mô đất của mô hình sản xuất lúa ba vụ tại Vũng Liêm được trình bày trong bài viết, từ đó gợi lên những đề xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả và đời sống người trồng lúa, không chỉ tại Vũng Liêm mà còn cho các vùng lân cận tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiệu quả đồng vốn của mô hình sản xuất lúa ba vụ tại huyện Vũng Liêm bị ảnh hưởng một phần bởi qui mô sản xuất, diện tích ruộng càng lớn thì hiệu quả càng cao. Vấn đề cần lưu ý là nông dân thường quan tâm đến thu nhập hơn hiệu quả sản xuất, họ không tính công lao động vào quá trình canh tác. Do vậy, ở khía cạnh xã hội thì canh tác lúa đã giải quyết được lao động việc làm cho người dân nông thôn, nhất là những hộ có quy mô đất ít, họ lấy công lao động nhà canh tác trên thửa ruộng của mình để sinh lợi nhuận. Thế nên, các chính sách trong tương lai không chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà còn phải giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là lao động việc làm cho những nông dân đất ít, lớn tuổi và trình độ thấp. Nghiên cứu này được thực hiện tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thuộc vùng giữa của Đồng bằng sông Cửu Long, các nghiên cứu tiếp theo có thể thực hiện cho vùng thượng nguồn và vùng ven biển để có bức tranh tổng quát về hiệu quả sản xuất lúa theo qui mô đất tại Đồng bằng sông Cửu Long.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1D (2022): 267-273