Đánh giá chất lượng nước và thải lượng từ ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh ở tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định môi trường nước ao nuôi và thải lượng từ ao tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi thâm canh với mật độ nuôi khác nhau ở tỉnh Sóc Trăng.
Các ao nuôi có độ sâu trung bình 1,4 m và diện tích mặt nước 3.100-4.700 m2 . Nhóm ao nuôi mật độ thấp là 80-90 con/m2 và nhóm ao nuôi mật độ cao là 130-140 con/m2 . Mẫu nước được thu và đánh giá từ đầu vụ đến cuối vụ nuôi với tần suất 2 tuần/1 lần. Chất lượng nước trong các đợt thu mẫu được người nuôi duy trì ở ngưỡng thích hợp cho tôm thẻ chân trắng sinh trưởng và nằm trong quy định của QCVN 02-19:2014/BNNPTNT, ngoại trừ pH và độ kiềm trong ao nuôi mật độ cao. Tuy nhiên, để sản xuất 1 tấn tôm cần có 6.644-8.289 m3 nước thải, 27,9-29,9 m3 nước xi phông, 145-179 kg COD, 12,5-16,3 kg P và 57,6-77,5 kg TKN thải vào môi trường qua quá trình thay nước và xi phông. Vì vậy, việc quản lý và xử lý nước thay ra và nước xi phông từ các ao nuôi tôm thâm canh là rất cần thiết để giảm thiểu lượng chất thải đưa vào môi trường xung quanh khu vực nuôi.
Những năm gần đây nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, mở rộng diện tích nuôi và gia tăng vượt bậc về mặt sản lượng. Theo Tổng cục Thủy sản (2020), diện tích nuôi tôm cả nước năm 2019 đạt 720.000 ha, sản lượng tôm nước lợ đạt 750.000 tấn bằng 98,3% so với năm 2018, trong đó tôm sú đạt khoảng 270.000 tấn, tôm thẻ chân trắng (TCT) đạt 480.000 tấn. Riêng tỉnh Sóc Trăng năm 2019, diện tích tôm TCT có hơn 38 nghìn ha và đạt 150 nghìn tấn (chiếm 31,25% tổng sản lượng tôm TCT cả nước) (Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2019). Tuy mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng nghề nuôi tôm phát sinh nhiều vấn đề bất cập liên quan đến sản xuất như dịch bệnh trên tôm, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, môi trường ao nuôi, chất lượng nước cấp và quản lý chất thải từ ao nuôi tôm là yếu tố quyết định năng suất, sản phẩm tôm và tính hiệu quả lợi nhuận mang lại từ mô hình (Phụng và ctv., 2013). Pham et al. (2010) ghi nhận để sản xuất 1 tấn tôm sú có 5.345 - 7.151 m3 nước thải, 259 kg BOD, 769 kg COD, 1.170 kg TSS, 30 kg N, 3,7 kg P và 4,8 kg N-NH3 thải vào môi trường. Theo Sơn và ctv. (2014), N chuyển hóa từ thức ăn sang N trong tôm TCT nuôi là 20,6% và P là 12,5%. Bên cạnh đó, Mạnh và Nga (2011) ghi nhận vật chất hữu cơ tích lũy dạng bùn qua vụ nuôi tôm thâm canh (TC) tại Cà Mau trung bình dao động 111-137 m3 /ha/vụ, trong đó chứa lượng hữu cơ 1,35-2,2 tấn/ha/vụ; TKN 33-79,8 kg/ha/vụ và TP 24,7- 50,2 kg/ha/vụ. Vì vậy, nguy cơ gây ô nhiễm trở lại ao nuôi tôm và môi trường xung quanh ao là rất lớn nếu lượng chất ô nhiễm này được xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều này chưa được quan tâm bởi người nuôi tôm ở ĐBSCL (Trúc và ctv., 2018; Nguyen et al., 2019). Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá chất lượng môi trường ao nuôi và thải lượng từ các ao nuôi tôm TC ở tỉnh Sóc Trăng trong một vụ nuôi với mật độ nuôi khác nhau nhằm cung cấp thông tin diễn biến môi trường nước và lượng chất thải, làm cở sở giúp cho người nuôi và các nhà quản lý đề ra những giải pháp thích hợp để bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững trong ngành nuôi tôm.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 213-225