Đánh giá một số chỉ tiêu nước mặt ở các mô hình canh tác tại Cù lao Dung – Sóc Trăng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng nước mặt ở các mô hình canh tác nông nghiệp điển hình vùng thượng nguồn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, góp phần cung cấp thông tin cho các quyết định canh tác nông nghiệp tại địa phương.
Các thông số chất lượng nước mặt được đánh giá bao gồm pH, oxy hòa tan (DO), nhiệt độ (℃), độ dẫn điện (EC), độ mặn, BOD5 20, tổng đạm và tổng lân. Mẫu nước được thu tại bốn mô hình sản xuất đại diện tại khu vực nghiên cứu là ao tôm (tôm thẻ chân trắng), vườn nhãn, vườn xoài và vườn dừa trong mùa mưa (10/2019) và mùa khô (3/2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nước tại khu vực nghiên cứu được đánh giá là đáp ứng được cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo QCVN08:2015/BTNMT (cột B1). Tuy nhiên, độ mặn trong nước mặt vào mùa khô cao (2,8 – 3,3 ppt) có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của các mô hình trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, hàm lượng BOD5 20 trong mô hình nuôi tôm vào mùa khô cần được kiểm soát nhằm hạn chế các ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng môi trường nước khi xả thải ra môi trường xung quanh.
Nước là một yếu tố quan trọng đóng vai trò thiết yếu đối với tất cả các sinh vật đang sống trên trái đất. Nước được sử dụng trong hầu hết các hoạt động thường nhật của con người, trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động giải trí,… Trong nông nghiệp, nước giữ vai trò quyết định khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cù Lao Dung (CLD), tỉnh Sóc Trăng là một huyện cù lao nằm trên sông Hậu thuộc vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có nhiệt độ cao đều trong năm và hai mùa mưa – khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau (Trần Minh Bình, 2019). Do nằm gần cửa biển, chịu ảnh hưởng từ chế độ thủy triều của biển Đông, trong những năm gần đây, huyện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng xâm nhập mặn (Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, 2020). Theo đó, các khu vực nước ngọt điển hình như xã An Thạnh I, khu vực đầu nguồn của CLD đang có xu thế thâm canh trong sản xuất nông nghiệp từ các mô hình cây ăn trái nước ngọt đến các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) nước mặn. Các mô hình này sử dụng nguồn nước tưới tiêu, phục vụ cho các mô hình canh tác đều lấy trực tiếp từ nguồn nước lân cận như sông và kênh rạch. Ngược lại, các mô hình canh tác cũng thải trực tiếp ra hệ thống sông và kênh rạch. Sự kết nối nguồn nước trực tiếp giữa các mô hình và hệ thống sông, kênh rạch gây ra các nguy cơ tạo ra nguồn ô nhiễm cho các mô hình canh tác xung quanh. Chính vì thế, trong bài báo này, các kết quả quan trắc về chất lượng nước của một số mô hình canh tác đại diện ở vùng nước ngọt được trình bày nhằm đánh giá tổng quan về hiện trạng chất lượng nước làm căn cứ hỗ trợ cho các quyết định phục vụ trong canh tác nông nghiệp tại địa phương.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 1-7