SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá một số chỉ tiêu vê chất lượng môi trường đất ở các mô hình canh tác vùng nước ngọt vào mùa mưa tại huyệt Cù lao Dung – tỉnh Sóc Trăng

[04/07/2022 14:17]

Nghiên cứu được thực hiện để so sánh một số chỉ tiêu về chất lượng môi trường đất của các mô hình canh tác ở vùng nước ngọt tại xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhằm cung cấp thêm thông tin cho công tác qui hoạch sử dụng đất nông nghiệp của địa phương cũng như hỗ trợ người dân trong việc xây dựng kế hoạch chăm sóc mô hình canh tác hiệu quả.

Mẫu đất được thu ở bốn mô hình canh tác chiếm diện tích lớn trong khu vực (ao tôm thẻ chân trắng, vườn dừa, vườn nhãn và vườn xoài). Nghiên cứu được tiến hành trong mùa mưa do đây là thời điểm người dân bắt đầu mùa vụ mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị EC đất ghi nhận được ở ngưỡng trung bình (0,889 - 4,32 dS/m), giá trị pH đất nằm trong khoảng 4,5 – 5,5 được đánh giá là đất chua. Các chỉ tiêu như đạm tổng số (0,133 – 0,168%) và kali tổng số (0,15 - 0,20%) đều ở mức trung bình – khá, giá trị trung bình lân tổng (0,044 - 0,053%) trong đất thấp. Cần có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp cho vùng đất chua bị nhiễm mặn để gia tăng năng suất, thu nhập cho người dân ở khu vực nghiên cứu.

Cù Lao Dung là một huyện trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Do nằm cuối nguồn sông Hậu tiếp giáp với cửa biển, địa hình bằng phẳng đồng thời có hệ thống kênh rạch chằng chịt đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp (Lê Xuân Định và ctv., 2016).

Hằng năm, huyện vẫn xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, thường vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Theo ghi nhận từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng năm 2020, vì lượng nước từ đầu nguồn đổ về bị thiếu hụt, không đủ để rửa mặn khiến chất lượng đất bị ảnh hưởng, nên nguồn nước tưới phụ thuộc chủ yếu ở khu vực khảo sát lấy từ nước sông, kênh rạch vào mùa mưa và trữ nước mưa để tưới vào mùa khô. Nước tưới bị nhiễm mặn khi tưới cho cây trồng vừa gây hại tức thời cho cây trồng vừa tích luỹ vào trong đất dẫn đến các thiệt hại cho cây trồng về lâu dài.

Xã An Thạnh I là khu vực trồng các loại cây ăn trái lâu năm tiêu biểu tại Cù Lao Dung, tuy nhiên một số ít hộ đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm nước lợ từ năm 2018 với quy mô nhỏ. Mô hình canh tác nước mặn trên vùng đất ngọt sẽ gây ra những thách thức cho công tác qui hoạch sử dụng đất cho địa phương, đặc biệt trong việc điều tiết nguồn nước mặn – ngọt hợp lý cũng như có giải pháp ngăn ngừa sự nhiễm mặn sang các mô hình canh tác nước ngọt. Đối với các hộ canh tác mô hình nước ngọt, hoạt động xuống giống trồng trọt cho mùa vụ mới thường được tiến hành vào mùa mưa. Do đó, người dân cần biết được điều kiện thổ nhưỡng của khu vực canh tác để có kế hoạch cải tạo đất cũng như chăm sóc cây trồng hợp lý. Chính vì thế, nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp thông tin về một số chỉ tiêu chất lượng đất vào mùa mưa tại các mô hình canh tác tại xã An Thạnh I.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 8-13
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ