Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân hủy protein và cellulose từ các nguồn rác thải hữu cơ được thu tại thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân lập các dòng vi khuẩn (VK) có khả năng phân huỷ protein và cellulose từ các nguồn rác thải hữu cơ; và khảo sát ảnh hưởng của VK lên sự sống sót của trùn quế (Perionyx excavates).
Mẫu rác thải hữu cơ được thu từ các chợ, quán ăn và các hộ gia đình để phân lập VK có khả năng tiết enzyme protease và cellulase. Kết quả phân lập được 58 dòng VK. Trong đó, 46 dòng có khả năng tiết ra enzyme protease và 12 dòng có khả năng tiết enzyme cellulase. Kết quả đánh giá khả năng phân hủy thịt vụn, cá vụn và rau cải thừa đã tuyển chọn được 6 dòng VK có tiềm năng là pAT3, pPT, pTVC3, cAT1, cTA1 và cCR. Năm dòng VK được định danh sử dụng phương pháp sinh học phân tử ở vùng gene 16S rRNA và xác định đến mức độ loài và 1 dòng chưa được định danh. Sáu dòng VK này giúp giảm mùi hôi của rác phân hủy và không ảnh hưởng đến sự sống sót và sinh trưởng của trùn quế trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Rác hữu cơ vốn là một nguồn tài nguyên quý giá nhưng đã và đang bị bỏ đi một cách lãng phí. Hiện nay, tại các đô thị lớn như Cần Thơ, mỗi ngày một lượng lớn rác hữu cơ từ rau, củ, quả, thức ăn thừa được thải bỏ ra môi trường từ các hệ thống siêu thị, vựa nông sản, chợ, các quán ăn là điều không thể tránh được. Do nguồn rác thải này chứa hàm lượng nước rất cao và các protein từ thực phẩm nên việc xử lý nguồn rác thải hữu cơ này tạo mùi hôi cũng tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nước (Chaudhary & Mishra, 2017).
Việc sử dụng các nhóm vi sinh vật xử lý rác thải hữu cơ và giảm mùi hôi đang được quan tâm trên thế giới và tại Việt Nam. Do đặc tính của rác thải hữu cơ từ các chợ, siêu thị, hộ gia đình, quán ăn là rác thải chứa hàm lượng cellulose và một phần thịt cá vụn đã hoặc chưa chế biến nên trong quá trình thu gom các rác thải này tạo các mùi hôi gây ô nhiễm môi trường xung quanh bãi tập kết. Do đó, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân lập được dòng vi khuẩn (VK) có khả năng phân huỷ protein và cellulose tại các chợ, quán ăn và các hộ gia đình trong địa bàn thành phố Cần Thơ ở phạm vi phòng thí nghiệm. Các dòng VK có triển vọng phân hủy cellulose và protein tốt sẽ giúp xử lý rác thải hữu cơ đô thị làm phân hữu cơ sinh học được xem là phương pháp an toàn, nhằm hạn chế được diện tích chôn lấp hoặc thiêu hủy với tiềm năng gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 34-41