Đánh giá độ phì nhiêu đất canh tác lúa trong và ngoài đê bao ngăn lũ ở nhóm đất có vấn đề của tỉnh An Giang
Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá tính chất vật lý, hóa học đất trong và ngoài đê bao ngăn lũ ở nhóm đất phèn ở Tri Tôn và đất phù sa cổ ở Tịnh Biên.
Số lượng mẫu đất được thu ngẫu nhiên trên mỗi nhóm đất là 32 mẫu gồm: 16 mẫu trong đê (vùng lúa 3 vụ) và 16 mẫu ngoài đê (lúa 2 vụ). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc canh tác lúa 3 vụ trong đê bao đã làm pH đất trong đê thấp hơn so với pH đất ngoài đê; EC của đất trong đê cao hơn so với EC của đất ngoài đê. Hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt trong đê (3 vụ lúa) cao hơn so với đất ngoài đê (2 vụ lúa). Từ đó dẫn đến khả năng trao đổi cation (CEC), đạm tổng số của đất trong đê cũng cao hơn so với đất ngoài đê, đặc biệt ở tầng đất mặt Ap. Trong khi đó, hàm lượng lân tổng số và kali tổng số khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở cả hai điểm nghiên cứu. Độ nén dẽ của tầng đất Bg luôn cao hơn ở đất trong đê so với đất ngoài đê ở cả hai điểm nghiên cứu Tri Tôn và Tịnh Biên thể hiện qua độ xốp và hệ số thấm thấp, dung trọng và độ chặt của đất cao.
An Giang là tỉnh đầu nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm chịu tác động của lũ rất lớn. Mặc dù mùa lũ được xem là lợi thế cho sản xuất nông nghiệp, nhưng việc hình thành đê bao đã phát triển ở nhiều nơi trong vùng ngập lũ của tỉnh An Giang. Hệ thống đê bao được xây dựng với mục tiêu kiểm soát lũ nhằm hạn chế thiệt hại về người và của, ổn định cuộc sống và gia tăng sản xuất (Nguyễn Xuân Thịnh và ctv., 2016). Tuy nhiên, ngoài những lợi ích của đê bao, các công trình này đã ngăn cản lượng phù sa tích lũy trên đồng ruộng và lượng nước trao đổi giữa đồng ruộng và môi trường bên ngoài (Dương Quỳnh Thanh và ctv., 2017; Phạm Lê Mỹ Duyên & Văn Phạm Đăng Trí, 2015). Thực tế, do tăng vụ liên tục và việc đê bao khống chế lũ đã khiến đất đai bị suy thoái, sâu bệnh luôn có môi trường tồn tại và phát triển. Vì thế, để duy trì năng suất cây trồng, người dân phải gia tăng khối lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong kênh nội đồng (Le et al., 2006). Trước đây, đã có những nghiên cứu về đánh giá động thái dinh dưỡng-độ phì của đất và ảnh hưởng của việc kiểm soát lũ lên sức sản xuất của đất trong vùng đê bao khép kín của Nguyễn Hữu Chiếm và Huỳnh Công Khánh (2016), Nguyễn Hữu Chiếm và ctv. (2017); đánh giá chất lượng đất và phù sa trong và ngoài đê bao ở Chợ Mới và Phú Tân tỉnh An Giang của Dương Hồng Gấm (2015). Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng sản xuất lúa nhiều vụ trong năm sẽ giảm độ phì nhiêu của đất, tăng lượng phân bón cho cây lúa nhưng năng suất không tăng, do sự suy giảm chất hữu cơ, đất bị nén dẽ dẫn đến cây trồng khó hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc bao đê canh tác lúa 3 vụ còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng hàng năm làm thay đổi các điều kiện tự nhiên cũng như các đặc tính lý – hóa học trong môi trường đất. Đồng thời, sản xuất lúa 3 vụ trong đê bao bộc lộ một số mặt hạn chế, tiêu cực về môi trường, nguồn nước tù đọng ô nhiễm vì phú dưỡng hóa từ phân bón hóa học và nhiễm độc vì các loại nông dược.
Đất phèn có tên theo phân loại của FAO là Thionic Gleysols, là tên gọi dùng để chỉ nhóm đất mà tiến trình hình thành sản sinh ra lượng sulphuric acid ảnh hưởng lâu dài đến đặc tính chủ yếu của đất (Mohr et al., 1972). Đất phèn là đất chứa nhiều gốc sunphat (SO4 2- ) và có pH thấp. Đất phèn ở An Giang phân bố nhiều ở vùng tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, thuộc địa phận huyện Tri Tôn. Nhóm đất phù sa cổ tên theo phân loại của FAO là Plinthosols. Đất phù sa cổ nghèo dinh dưỡng và độ thoát thủy, tơi xốp kém. Đất phù sa cổ chủ yếu phân bố ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chúng hình thành nên dãy đồng bằng quanh núi như khu vực quanh núi Dài, núi Cấm, cánh đồng ven kênh Vĩnh Tế giáp biên giới Campuchia (Bộ môn Khoa học đất, 2015).
Hiện tại, các nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ về các đặc tính lý, hóa học của môi trường đất canh tác lúa trong và ngoài đê bao ở vùng đất phèn và đất phù sa cổ là chưa có. Đây là những nhóm đất có vấn đề gây nhiều trở ngại cho sản xuất nông nghiệp so với các nhóm đất khác. Do đó, đề tài được thực hiện nhằm đánh giá độ phì nhiêu đất canh tác lúa trong và ngoài hệ thống đê bao ngăn lũ trên đất phèn và đất phù sa cổ hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn trong tương lai.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 51-66