Ảnh hưởng của Biochar và kỹ thuật quản lý nước lên một số đặc tính hóa học và sinh học đất cuối vụ lúa tại quận Bình Thủy – Thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của biochar và kỹ thuật quản lý nước lên một số đặc tính hóa học và sinh học đất cũng như năng suất lúa vụ Đông Xuân sớm 2019 – 2020 tại Bình Thủy, Cần Thơ.
Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với tổng cộng 6 nghiệm thức (n=3) từ hai nhân tố bao gồm loại biochar và kỹ thuật quản lý nước. Kết quả phân tích cho thấy bổ sung biochar hoặc quản lý nước tưới và sự kết hợp của biochar và quản lý nước giúp gia tăng giá trị pH đất, tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất, giảm EC, ảnh hưởng sự hiện diện của nấm rễ nội cộng sinh (AM) và mật số vi khuẩn khòa tan lân. Mật số vi khuẩn tổng số, mật số nấm tổng số, nhóm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân hủy cellulose và năng suất lúa ở các nghiệm thức chưa thể hiện sự khác biệt so với nghiệm thức đối chứng không bổ sung biochar cũng như trong kỹ thuật quản lý nước.
Vi sinh vật có vai trò quan trọng tham gia vào các chu trình sinh địa hóa trong đất và giúp cân bằng hệ sinh thái trong đất (Hill et al., 2000). Những thay đổi về thành phần và số lượng của vi sinh vật trong đất phản ánh sự thay đổi chất lượng đất (Franchini et al., 2007). Vi sinh vật có lợi trong đất như cộng đồng nấm rễ nội cộng sinh, vi khuẩn hòa tan lân, vi khuẩn cố định đạm có vai trò quan trọng trong việc huy động và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng (Sahu et al., 2018). Sự cân bằng của quần thể vi sinh vật trong đất thường bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động trong canh tác nông nghiệp. Do đó, việc duy trì sự cân bằng sinh học trong hệ sinh thái đất canh tác có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì độ phì nhiêu đất, giúp canh tác nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường (Alori & Babalola, 2018).
Biochar (than sinh học) được biết đến là chất cải tạo đất (Lehmann et al., 2006). Theo Woolf et al. (2010), biochar có tiềm năng trong việc làm giảm biến đổi khí hậu thông qua quá trình cố định nguồn carbon và giảm sự phát thải nitơ. Bổ sung biochar vào đất có thể làm thay đổi đặc tính hóa học, sinh học đất, tăng khả năng giữ dinh dưỡng, nước và bảo vệ cộng đồng vi sinh vật trong đất. Một số nghiên cứu xác định tác dụng của than sinh học đối với sinh trưởng và năng suất cây trồng đạt cao hơn khi bón kết hợp biochar với phân khoáng hợp lý(Ishii & Kadoya, 1994; Lehmann et al., 2003; Warnock et al., 2007).
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện tượng thiếu nước vào mùa khô gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng chuyên canh trồng lúa nước, tác động và làm thay đổi đặc tính hóa, lý và sinh học đất. Mô hình quản lý nước khô ngập luân phiên (Alternate Wetting and Drying - AWD) trong canh tác lúa được xem như phương pháp thích ứng trong canh tác lúa tại một số nơi ở ĐBSCL và được sử dụng như một phương pháp tiết kiệm nước trong canh tác lúa ở nhiều quốc gia trên thế giới (Cabangon et al., 2012; Chapagain & Yamaji, 2010; Dong et al., 2011; Rejesus et al., 2011). Tuy nhiên việc quản lý nước trong quá trình canh tác lúa khô ngập luân phiên ảnh hưởng đến các chu trình dinh dưỡng cũng như một số đặc tính sinh học đất (Gordon et al., 2008; Tan et al., 2017). Việc bổ sung vật liệu hữu cơ như biochar được xem như một trong các phương pháp giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng đất (Glaser, 2007; Liang et al., 2017; Nguyen et al., 2020; Warnock et al., 2007). Do đó nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của hai loại biochar và phương pháp quản lý nước trong canh tác lúa đến một số đặc tính hóa học, sinh học và năng suất lúa.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 67-78