SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng sử dụng thuốc bảo về thực vật và hiệu quả kinh tế của mô hình canh tác sầu riêng tại cù lao Dài, huyện Vũng Liên, tỉnh Vĩnh Long

[04/07/2022 14:55]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hiệu quả tài chính trong mô hình canh tác sầu riêng tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bằng phương pháp khảo sát thực địa và phỏng vấn trực tiếp 40 nông hộ trồng sầu riêng. Giống sầu riêng chủ yếu được trồng là Ri6, có giá trị kinh tế trong vụ nghịch cao hơn so với vụ chính; tuy nhiên, chi phí đầu tư trung bình trên 1 ha trong vụ nghịch cao gấp 1,66 lần so với vụ chính (đặc biệt là chi phí cho việc sử dụng thuốc BVTV).

Các loại sâu bệnh xuất hiện chủ yếu là rầy nhảy, sâu đục trái, rệp sáp phấn, sâu ăn bông, cháy lá. Kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được 33 hoạt chất thuốc BVTV được nông hộ sử dụng trong quá trình canh tác sầu riêng. Trong đó, các hoạt chất có độ độc từ nhóm II (trung bình) đến nhóm IV (rất nhẹ) theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO). Đặc biệt, hoạt chất acephate bị cấm sử dụng vào năm 2019; trong khi đó, chlorpyrifos ethyl và fipronil là các hoạt chất thuộc danh mục thuốc BVTV bị cấm sử dụng kể từ ngày 12/2/2021. Liều lượng thuốc BVTV được sử dụng cao gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo. Hơn nữa, các phương pháp xử lý bao bì thuốc BVTV được nông dân áp dụng bao gồm đốt, chôn lấp và trữ để bán là không đảm bảo an toàn. Nhìn chung, việc sử dụng thuốc BVTV và xử lý bao bì của thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe đối với người canh tác.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những trung tâm nông nghiệp lớn của Việt Nam. Trong đó, cây ăn trái được trồng trên diện tích gần 300 nghìn ha và cho sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, đóng góp khoảng 70% tổng sản lượng trái cây cả nước (Bùi Duy Hoàng, 2020; Huỳnh Trường Huy, 2019). Các loại trái cây được trồng với diện tích lớn bao gồm xoài, cam, nhãn, bưởi, sầu riêng, thanh long, chuối, quýt,... Đặc biệt, trong những năm gần đây sầu riêng đã được thị trường tiêu thụ ưa chuộng và được trồng nhiều tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,... (Trần Văn Hâu và ctv., 2020; Vũ Thùy Dương & Võ Thành Danh, 2011).

Sầu riêng là một trong những loại trái cây mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, huyện Vũng Liêm có 1.046 ha trồng sầu riêng, chiếm 36,71% tổng diện tích trồng sầu riêng của toàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long (2019), Cù Lao Dài là nơi đóng góp sản lượng sầu riêng lớn nhất của huyện Vũng Liêm. Tuy mang lại giá trị kinh tế rất cao nhưng quá trình canh tác sầu riêng cũng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp vì đây loại cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công. Giải pháp chủ yếu được nông dân lựa chọn để giải quyết các vấn đề sâu bệnh và nâng cao năng suất nông sản là sử dụng thuốc BVTV. Bên cạnh hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh, thuốc BVTV là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nếu sử dụng sai cách và thiếu kiểm soát (Huỳnh Phi Yến, 2019; Joko et al., 2017; Nguyễn Trần Oánh và ctv., 2007; Trần Văn Hai, 2009). Ngoài ra, thuốc BVTV tồn dư trên nông sản còn gây ra những vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng (Donald, 2001; Nguyễn Đắc Khoa và ctv., 2010). Do đó, khảo sát hiện trạng sử dụng, bảo quản và xử lý bao bì thuốc BVTV là cần thiết để có giải pháp giảm thiểu tác động của thuốc BVTV trong mô hình canh tác sầu riêng tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 79-89
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ