SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của Marshal 200SC đến Cholinesterase và tăng trưởng cá Mè Vinh (Barbonymus gonionotus)

[04/07/2022 15:00]

Marshal 200SC chứa carbosulfan 200g/L được sử dụng trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Carbosulfan có cơ chế gây hại cho sinh vật qua ức chế cholinesterase (ChE). Cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) sống ở nhiều thủy vực và được nuôi xen canh trong mô hình lúa - cá nên có nhiều nguy cơ tiếp xúc và bị ảnh hưởng do sử dụng thuốc này.

Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng ở nồng độ dưới ngưỡng gây chết của Marshal 200SC đến ChE và tăng trưởng của loài cá này. Ba nồng độ Marshall 200SC (1, 10 và 20%LC50-96 giờ) được triển khai trong điều kiện phòng thí nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến ChE trong 96 giờ và đến tăng trưởng cá trong 60 ngày. Kết quả cho thấy Marshal 200SC chứa carbosulfan 200g/L có độ độc cấp tính cao đối với cá mè vinh cỡ giống, giá trị LC50-96 giờ của thuốc đối với loài cá này là 1,375 ppm (# 0,275 mg/L carbosulfan). Thông số ChE trong não cá mè vinh nhạy cảm với Marshal 200SC hơn các thông số tăng trưởng. Ở nồng độ 1%LC50-96 giờ, thuốc đã làm ức chế 18,4% hoạt tính ChE; trong khi ở nồng độ 20%LC50-96 giờ, thuốc làm FCR và FI tăng lần lượt bằng 129,6% và 116,7% đối chứng nhưng SGR giảm còn 74,5% đối chứng. Nghiên cứu ảnh hưởng của Marshal 200SC đến cá ở điều kiện ruộng lúa là cần được triển khai.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng canh tác lúa trọng điểm của Việt Nam. Với tổng diện tích của vùng chiếm khoảng 12% tổng diện tích cả nước nhưng sản lượng lúa đóng góp luôn ở mức trên 50% sản lượng lúa Việt Nam. Để đảm bảo được sản lượng lúa, việc gia tăng diện tích trồng và mức độ thâm canh đã không ngừng được thực hiện. Nghiên cứu của Berg and Tam (2012) cho thấy thuốc BVTV được sử dụng 5-7 lần/vụ. Con số này không giảm dù đã có nhiều tuyên truyền 3 phải, 5 giảm trong canh tác lúa (Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Văn Công, 2018).

Bên cạnh những lợi ích mang lại, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng là một trong tác nhân gây mất ổn định môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đất, để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng (Nguyễn Trần Oánh và ctv., 2007). Sử sụng thuốc BVTV trong canh tác lúa ở ĐBSCL làm ảnh hưởng đến cá lóc (Channa striata) (Cong et al., 2008), cá rô đồng (Anabas testidineus) (Tam et al, 2018).

Carbosulfan là một trong những loại thuốc BVTV được sử dụng trong canh tác lúa. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng ở Việt Nam năm 2020 có đến 8 tên thuốc thương mại chứa hoạt chất carbosulfan (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2020). Các thuốc chứa hoạt chất này như Marshal 200SC, Afudan 3GR, 20SC, Carbosan 25EC… Hoạt chất carbosulfan thuộc nhóm carbamate (Tomlin, 1994), có cơ chế gây hại cho động vật thông qua gây ức chế hoạt tính cholinesterase (Stenersen, 2004). Khi enzyme cholinesterase bị ức chế sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác cho sinh vật (Fulton & Key, 2001) như ảnh hưởng đến tăng trưởng cá lóc (Cong et al., 2009), cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) (Cong et al., 2021) và đo enzyme cholinesterase có thể cảnh báo sớm ảnh hưởng tiêu cực của thuốc cho sinh vật (Cong et al., 2006). Marshal 200SC chứa 200g/L hoạt chất carbosulfan được sử dụng để diệt trừ sâu đục thân, rầy nâu/ lúa, rệp sáp, ve sầu (BNNPTNT, 2020).

Cá mè vinh là loài cá nước ngọt, phân bố trong nhiều loại hình thủy vực (Trương Thủ Khoa & Nguyễn Thị Thu Hương, 1993) và được thả nuôi phổ biến trong mô hình cá - lúa ở các tỉnh ĐBSCL (Võ Văn Hà và ctv., 2004). Ruộng lúa cũng là nơi được sử dụng quá mức thuốc trừ sâu (Nguyễn Văn Toàn & Nguyễn Văn Công, 2018). Do đó, loài cá này có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định được LC50 của thuốc BVTV Marshal 200SC đối với cá mè vinh cỡ giống và ảnh hưởng ở nồng độ dưới ngưỡng gây chết của thuốc đến hoạt tính cholinesterase ở loài cá này; từ đó giúp cảnh báo rủi ro của việc sử dụng carbosulfan đến loài cá này.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 90-100
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ