Ứng dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR trong nghiên cứu thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng tình hình phát sinh, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sử dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR (Nguyên nhân – Drive forces, Áp lực – Pressures, Hiện trạng – State, Tác động – Impact và Phản hồi – Response).
Số liệu chính được dùng để phân tích là số liệu thứ cấp được thu trực tiếp từ các cơ quan quản lý ngành và phương pháp phỏng vấn KIP ở khu vực nghiên cứu và bộ số liệu sơ cấp khảo sát 456 hộ dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù các thiệt hại do ô nhiễm CTRSH gây ra hiện nay là lớn, số lượng phát sinh theo ngày và năm rất cao, nhưng tỷ lệ thu gom xử lý còn rất hạn chế (chỉ đạt từ 80% đến 87%). Trong khi đó, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (bao gồm cho CTRSH) tăng gấp hai lần sau năm năm. Các nguyên nhân chính được xác định bao gồm khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và chính sách quản lý chưa hiệu quả. Giải pháp giúp cải thiện tình trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt được đề xuất bao gồm các giải pháp có liên quan đến phí và lệ phí, giải pháp kỹ thuật và cải thiện hệ thống thu gom, phát triển công nghệ tái chế và nâng cao ý thức của cộng đồng.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tăng nhanh cùng với sự thay đổi thành phần trong CTRSH đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý chất thải. Theo Nghị định 38 về Quản lý chất thải và phế liệu (2015), lượng chất thải rắn (CTR) của hộ gia đình gồm CTRSH và bùn thải ngày càng gia tăng do tốc độ tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa (Adeoti & Obidi, 2010; Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017, 2019; Niringiye, 2010). Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lượng CTRSH phát sinh đã tăng gần gấp đôi từ 0,61 kg/người/ngày năm 2007 đến 1,2 kg/người/ngày năm 2018 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019). Tuy lượng bùn thải của hộ gia đình không được thống kê đầy đủ nhưng theo dự báo là ngày càng gia tăng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017).
Điều này cũng là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương bởi công tác quản lý chất thải còn nhiều hạn chế. Theo thống kê gần nhất, lượng CTRSH đô thị ở ĐBSCL được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 80% tổng lượng CTRSH phát sinh và thấp hơn tỷ lệ thu gom trung bình cả nước là 87,98% (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019). Bên cạnh đó, các khâu trong hoạt động quản lý chất thải như thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải chủ yếu sử dụng lao động thủ công chưa có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Cách xử lý CTRSH chủ yếu là chôn lấp tại các bãi chôn lấp tập trung. Trong khi các bãi chôn lấp chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh do không xử lý triệt để mùi, không được che đậy kín đáo và còn một lượng nước rỉ rác. Điều này đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống nghiêm trọng tại các khu vực đặt cơ sở xử lý CTRSH (Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2019). Lượng CTRSH này đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường sống, sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế và xã hội (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019). Do đó, việc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để làm giảm lượng CTRSH và cải thiện hoạt động quản lý chất thải là rất cần thiết. Chính vì vậy, nghiên cứu ứng dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR trong nghiên cứu thực trạng quản lý CTRSH ở khu vực ĐBSCL được thực hiện nhằm tìm hiểu tình hình quản lý CTRSH và các chính sách quản lý hiện tại ở khu vực ĐBSCL, từ đó đề xuất giải pháp nhằm cải thiện hoạt động quản lý và giảm lượng CTRSH. Nghiên cứu này được kỳ vọng đóng góp vào nguồn tài liệu nghiên cứu bằng cách sử dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR để tiếp cận vấn đề, làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo thực hiện các phân tích chuyên sâu về CTRSH.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 108-120