Đánh giá sự tích lũy Carbon trong đất rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Nghiên cứu nhằm đánh giá sự tích lũy carbon trong đất rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau. Mẫu đất được thu ở 5 tầng có độ dày đều nhau là 20 cm.
Các chỉ tiêu được phân tích: dung trọng, pH, độ dẫn điện (EC), độ mặn, chất hữu cơ (CHC), hàm lượng carbon (C). Dung trọng biến động giảm dần theo độ sâu và không khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. pH giữa các tầng và 3 trạng thái rừng đều không khác biệt và nằm trong khoảng trung tính. EC có xu hướng tăng dần theo độ sâu và có khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. Độ mặn biến động không đều và tăng dần theo độ sâu, và có khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. Chất hữu cơ biến động không đều, phần lớn có xu hướng giảm theo độ sâu. Hàm lượng carbon tích tụ giảm dần theo độ sâu và hầu hết không khác biệt giữa các độ sâu và 3 trạng thái rừng. Dung trọng và chất hữu cơ có tương quan chặt với hàm lượng carbon.
Rừng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu đối với việc duy trì sự sống trên trái đất thông qua sự hấp thụ và tích tụ carbon dioxide (CO2) (Brack, 2019) và cung cấp oxygen cho bầu khí quyển duy trì sự sống của nhân loại. Rừng hấp thụ khoảng 1/12 lượng CO2 trong khí quyển và lưu trữ khoảng 72% tổng lượng carbon trong các bể chứa trên toàn cầu (Malhi et al., 2002). Trong đó, 1/2 được hấp thụ bởi rừng nhiệt đới và rừng cận nhiệt đới (Canadell & Raupach, 2008). Ngược lại, trong giai đoạn 2011- 2015 trên toàn cầu đã mất đi 0,57 Gt carbon, trong đó, nạn phá rừng vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong cùng giai đoạn này đã làm phát thải trở lại khí quyển 0,8 Gt và 0,27 Gt carbon đối với 2 loại rừng tương ứng (Federici et al., 2015).
Sự tích lũy carbon hữu cơ trong các hệ sinh thái rừng có thể thay đổi do tác động bởi con người như việc phá rừng để sản xuất, phát triển ngành du lịch sinh thái, ngoài ra còn do môi trường thay đổi làm tăng nhiệt độ bầu khí quyển làm mực nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng đã làm cho rừng bị suy thoái dẫn đến giảm sự hấp thụ CO2 (Müller et al., 2014).
Rừng ngập mặn chiếm một phần nhỏ bề mặt trái đất, nhưng có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm lưu trữ carbon (C) (Viên Ngọc Nam, 2016). Tuy nhiên, khả năng tích tụ carbon của rừng ngập mặn không đồng nhất do sự phân bố trên toàn cầu với các điều kiện tác động của hệ sinh thái khác nhau. Sự biến động của nhiệt độ, độ ẩm, tính chất nền đất và tính chất thủy triều (Chapman, 1977; Phan & Hoang, 1993; Saenger & Snedaker, 1993), hay sự thay đổi địa hình, chất khoáng hữu dụng, độ tơi xốp của đất, tốc độ gió, dòng chảy và năng lượng sóng triều cũng làm thay đổi sự tích tụ carbon (Robertson & Alongi, 1992). Nghiên cứu của André (2018) về tác động của các quá trình địa mạo và môi trường ven biển trong gần 50 năm qua cho thấy lượng carbon hữu cơ trong đất đã giảm thấp đến 50% (chênh lệch khoảng 200 Mg/ha), riêng ở bờ biển các đồng bằng trẻ giảm đến 86% (khoảng 400 Mg/ha).
Đã có các nghiên cứu trước đây có liên quan đến sự tích lũy hữu cơ trong đất rừng ngập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như ảnh hưởng của dạng lập địa và tần số ngập triều lên tính chất lý hóa học đất tại rừng ngập mặn Cần Giờ của Lê Tấn Lợi (2011) và ảnh hưởng của cao trình đến khả năng tích lũy carbon dưới mặt đất của rừng ngập mặn Cồn Ông Trang huyện Ngọc Hiển của Lê Tấn Lợi và Lý Hằng Ni (2015), cũng như nghiên cứu ảnh hưởng của cao trình đến sự tích lũy carbon cho các kiểu rừng ngập mặn Cà Mau của Nguyễn Hà Quốc Tín và ctv. (2014).
Để góp phần làm phong phú hơn nguồn dữ liệu khoa học về sự tích tụ carbon trong các hệ sinh thái rừng nói chung và hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đánh giá khả năng tích tụ carbon trong đất ở 3 trạng thái rừng khác nhau tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau, từ đó góp phần cho giải pháp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và tăng sự tích tụ carbon trong các hệ sinh thái rừng nói chung.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 130-138