Ước lượng mức sẵn lòng chi trả với phân sinh khối lỏng của nông hộ trồng cây ăn trái tỉnh Bến Tre
Với mục tiêu hướng tới nông nghiệp bền vững bằng việc giảm liều lượng sử dụng phân bón hóa học, phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) được sử dụng trong nghiên cứu để đánh giá nhu cầu của người dân trồng cây ăn trái thông qua ước lượng mức sẵn lòng chi trả của họ đối với việc sử dụng phân sinh khối lỏng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trên 60% đáp viên ủng hộ và đồng ý mua phân sinh khối lỏng được đề xuất với mức sẵn lòng chi trả hay mức giá khoảng 172.000 đồng/tấn. Những nông dân lớn tuổi, trình độ học vấn cao, và đã từng sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá khứ có xu hướng thích và sẵn sàng chi trả cao hơn cho phân sinh khối lỏng.
Bến Tre là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn thứ ba ở Đồng bằng sông Cửu Long với gần 28 ngàn ha và sản lượng đạt trên 335 ngàn tấn/năm (Cao Đằng, 2019). Diện tích cũng như năng suất của các loại cây ăn trái ở địa phương này ngày càng tăng là nhờ áp dụng những tiến bộ về khoa học kĩ thuật, mở rộng diện tích đất canh tác, đa dạng cây trồng theo hướng hiện đại. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc nông dược hóa học đã góp phần đáng kể cho năng suất cây trồng tăng lên. Tuy nhiên, nó cũng làm nảy sinh các vấn đề như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, điều kiện môi trường sống bị giảm sút, nguyên nhân có thể là do sử dụng quá mức phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Do việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật kéo dài với lượng lớn, chất lượng đất bị suy thoái làm cho năng suất thấp và giảm chất lượng sản phẩm. Để giảm thiểu những tác động bất lợi của canh tác thông thường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã trở nên quen thuộc như bổ sung dinh dưỡng của chất hữu cơ và thực vật. Thực tế là người tiêu dùng rất quan tâm đến tầm quan trọng của việc lựa chọn thực phẩm an toàn tốt cho sức khỏe đã được ghi nhận trong các nghiên cứu trước đây.
Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện mô hình canh tác hữu cơ. Ở Châu Âu, các chính sách của chính phủ nhằm kích thích ngành nông nghiệp hữu cơ như việc trợ cấp cho các nhà sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng, giáo dục và hỗ trợ dưới hình thức nghiên cứu. Hiện nay, các nhà nghiên cứu cùng với nông dân đang quan tâm đến các nguồn nông nghiệp tự nhiên như chất thải của con người và chất thải động vật để sản xuất phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân và nước tiểu của con người đã trở nên phổ biến như một loại phân bón ở một số quốc gia.
Tuy nhiên, tỉnh Bến Tre vẫn chưa thể tận dụng nguồn lợi thế này từ chất thải của con người do công nghệ hạn chế. Trong khi đó, nông dân địa phương phải trả chi phí rất cao cho phân bón, đặc biệt là phân hoá học. Theo báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre, có khoảng 1.763 tấn phân hóa học và 4,6 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm được sử dụng cho nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre (Ủy ban nhân nhân tỉnh Bến Tre, 2017). Ngoài ra, nông dân thường có thu nhập thấp hơn so với người dân thành thị, và hơn nữa, họ phải phân bổ 10% - 20% doanh thu bán trái cây để mua phân bón hóa học chưa tính chi phí mua thuốc trừ sâu (Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, 2015). Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, kết hợp với mong muốn của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn không chứa hoá chất tổng hợp là cần thiết cho một nền nông nghiệp bền vững.
Tháng 3 năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và thị trưởng thành phố Chikujo đã thảo luận để đưa ra giải pháp tốt nhất cho thành phố Đà Nẵng về tái chế chất thải của con người. Sau đó, dự án "Tái chế chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ sinh học để sản xuất nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường ở Đà Nẵng" được ký hợp đồng. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam sản xuất phân bón lỏng từ chất thải của con người được xử lý bằng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản (Hong et al., 2017).
Trong tương lai, giả định sẽ có một nhà máy được đặt tại tỉnh Bến Tre để giúp các hộ nông dân có thể tiếp cận và sử dụng phân bón lỏng cho cây trồng của mình để giảm chi phí sản xuất và đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường. Mục đích của việc xây dựng nhà máy này là thúc đẩy việc sử dụng phân bón lỏng hữu cơ trong nông nghiệp và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường thông qua hỗ trợ nông dân biến rác thải của con người thành phân bón hữu cơ để làm nông nghiệp với giá thấp. Vì nó là một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường ở Bến Tre nên việc đánh giá nhu cầu của sản phẩm này trên thị trường là rất quan trọng. Sự bền vững của một sản phẩm kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi phải đảm bảo sự sẵn lòng chi trả của khách hàng mục tiêu.
Xuất phát từ những vấn đề cấp bách đó mà nghiên cứu này với mục tiêu chung là tìm hiểu nhận thức, thái độ cũng như sự sẵn lòng chi trả của nông hộ đối với phân sinh khối lỏng. Từ đó, một số kiến nghị để khuyến khích các nông hộ trồng cây ăn trái mua phân sinh khối lỏng để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông hộ, góp phần bảo vệ môi trường, và bảo vệ hệ sinh thái.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 1-7