Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân ở đồng bằng Sông Cửu Long: Trường hợp nghiên cứu ở thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng, nhận thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 545 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang. Mô hình nhị phân Logit được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ tình hình quản lý chất thải rắn ngày càng được cải thiện như số lượng thu gom ngày càng tăng, người dân có nhận thức cao về lợi ích của việc phân loại rác, tỷ trọng đáp viên ủng hộ chương trình phân loại cao. Kết quả mô hình Logit khẳng định sự ảnh hưởng của yếu tố thời gian, đáp viên ủng hộ chương trình bảo vệ môi trường, thu nhập và khu vực chưa có chương trình thí điểm có tác động đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn của hộ gia đình. Từ kết quả này, chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt đến việc tuyên truyền cho toàn bộ người dân, nhất là ở khu vực đô thị về các thông tin của chương trình. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi thực hiện chương trình ở các khu vực còn lại, chính quyền các cấp cần thực hiện thật tốt, đúng quy chuẩn để tăng niềm tin của các hộ tham gia và chưa tham gia chương trình.
Hiện nay, sự tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa và gia tăng dân số nhanh chóng, đặc biệt tập trung tại khu vực thành thị là rất lớn (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020). Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất hàng hóa và nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên theo từng ngày dẫn tới lượng lớn rác thải đang và sẽ tăng theo và thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm ngày càng trầm trọng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020). Hiện trạng lượng rác thải tăng đã gây ra nhiều hậu quả làm suy giảm chất lượng môi trường, khả năng gây hại đến sức khoẻ con người cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển sinh vật. Để quản lý vấn đề này, Quyết định 2149/QÐ[1]TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 17 tháng 12 năm 2009 (đã được điều chỉnh bằng Quyết định 1941/QĐ-TTg) nêu rõ “quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp”. Bên cạnh đó, quán triệt thực hiện chỉ thị 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn ngày 01 tháng 12 năm 2020 cũng chỉ đạo ưu tiên thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn hoặc đầu tư thêm cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý. Như vậy, để quán triệt thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, giảm được lượng chất thải ra ngoài môi trường đòi hỏi phải có sự quan tâm từ phía cộng đồng nhiều hơn, nhận thức và ý thức của người dân từ việc phân loại chất thải tại nguồn và góp phần vào công tác tái chế và tái sử dụng. Chính sự tham gia của các tác nhân tạo ra chất thải sinh hoạt này sẽ góp phần quan trọng nhất trong việc nâng cao hiệu quả của bất cứ chương trình chính sách nào được thiết lập và thực thi. Chính vì vậy, nghiên cứu hiện trạng các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định phân loại rác và đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm xử lý vấn đề này là hết sức cần thiết. Từ đây góp phần nâng cao ý thức cá nhân về cuộc sống cũng như ý thức về môi trường xung quanh của người dân ở khu vực đô thị tại Việt Nam và các nước đang phát triển.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 60-70