Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên các mô hình canh tác nông nghiệp tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác nông nghiệp của người dân vùng ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Số liệu được thu thập dựa trên phương pháp phỏng vấn trực tiếp 83 nông hộ và 12 cán bộ địa phương nhằm đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác gồm: chuyên tôm, lúa – tôm, chăn nuôi và làm muối. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình chăn nuôi và lúa – tôm là hai mô hình chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xâm nhập mặn. Các mô hình chuyên tôm, làm muối không bị ảnh hưởng nhiều, do đó có thể thấy các mô hình này sẽ thích hợp canh tác trong điều kiện mặn kéo dài hơn so với các mô hình còn lại. Để giảm các tác động bất lợi của xâm nhập mặn, 60% nông hộ trong mô hình lúa – tôm được phỏng vấn lựa chọn chuyển mô hình canh tác sang nuôi tôm, 15% lựa chọn nghỉ vụ để hạn chế rủi ro và 25% nông hộ còn lại canh tác bình thường. Các mô hình khác không ảnh hưởng nhiều nên không có sự chuyển đổi. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất thích ứng với xâm nhập mặn để đảm bảo được nguồn sinh kế cho người dân địa phương, thích ứng với sự xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp trong tương lai.
Việt Nam là nước nằm trong nhóm các quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang gánh chịu những tác động tiêu cực như: xâm nhập mặn sâu, ô nhiễm nguồn nước mặt, lũ lụt, hạn hán kéo dài, cạn kiệt nguồn nước (Đoàn Thu Hà, 2014). Trên thực tế, mực nước biển dâng sẽ dẫn đến xâm nhập mặn - một nguyên nhân gây thiệt hại đáng kể cho nông nghiệp (Bartels & Sunkar, 2005), nếu hiện tượng này kéo dài có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái nước ngọt, đe dọa đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân (Nguyen & Van, 2012), đặc biệt là các vùng đất thấp canh tác nông nghiệp ở ven biển.
Bình Đại là một trong các huyện giáp biển của tỉnh Bến Tre, thường xuyên chịu sự xâm nhập mặn của nước mặn từ sông Tiền vào tận các xã ở giữa cù lao, do hệ thống đê bao và cống ngăn mặn chưa hoàn chỉnh. Vào cao điểm mùa khô, các đợt nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước trên thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, kèm theo mực nước biển dâng cao làm hầu hết diện tích ven sông Tiền đều bị nhiễm mặn, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng ở một số nơi gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Trên thực tế, vào đầu năm 2013, tại tỉnh Bến Tre, có khoảng 2.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn (vượt quá khả năng chịu đựng của lúa) và 63.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt để sử dụngvà hiện trạng xâm nhập mặn được dự báo sẽ càng gia tăng cả về không gian và thời gian trong tương lai (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, 2012). Chính vì vậy, nghiên cứu được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019 tại 4 xã thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nhằm khảo sát, tìm hiểu hiện trạng và đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác của người dân; từ đó, đề xuất các biện pháp phù hợp để hạn chế ảnh hưởng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nghiên cứu trong thời gian tới.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 183-189