Đa dạng thành phần loài cỏ dại thủy sinh trong hệ sinh thái đồng ruộng ở tỉnh An Giang
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu cung cấp dữ liệu về các loài cỏ dại thủy sinh trong hệ sinh thái đồng ruộng ở tỉnh An Giang, làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng, quản lý và phòng trừ cỏ dại ở các ruộng lúa hiệu quả hơn.
Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA, điều tra thực địa và thu mẫu cỏ dại thủy sinh tại 24 ô tiêu chuẩn ở 12 ruộng lúa thuộc 6 huyện, thành phố ở tỉnh An Giang, so sánh hình thái và phân loại mẫu cây, và phân tích thống kê. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 37 loài cỏ dại thủy sinh thuộc 33 chi của 20 họ trong 2 ngành thực vật. Chúng được xếp vào 4 nhóm dạng sống, trong đó, dạng sống trồi và dạng lá nổi chiếm ưu thế. Số loài có giá trị sử dụng là 33 loài, chiếm ưu thế là các loài dùng làm thuốc, làm rau ăn và làm thức cho ăn gia súc, gia cầm. Sự phong phú, đa dạng về thành phần loài được ghi nhận cao nhất ở vụ Đông - Xuân và các ruộng lúa được khảo sát ở huyện Tri Tôn. Tuy thành phần loài đa dạng nhưng chỉ có một số ít loài xuất hiện với tần suất cao (Nhóm D, E). Hầu hết các loài còn lại có tần suất xuất hiện rất thấp (Nhóm A). Mật độ cỏ dại thủy sinh cao nhất là ở vụ Hè Thu (trung bình là 15,67±0,34 chồi/m2 ) và ở các ruộng lúa được khảo sát thuộc huyện Châu Phú (trung bình là 25,96±0,45 chồi/m2 ). Sự phong phú, đa dạng về thành phần loài và mật độ của các loài cỏ dại thủy sinh trong các ruộng lúa ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống đê bao.
Thực vật thủy sinh là những loài thực vật có mạch sống trong môi trường nước, chúng có thể mọc chìm trong nước, mọc nhô lên hoặc nổi trên mặt nước (Pieterse & Murphy, 1990). Cơ thể của chúng có những tiến hóa thích nghi với điều kiện sống trong nước, cho phép chúng phản ứng tối ưu với sự không đồng nhất của môi trường và sống được ở nhiều loại môi trường nước khác nhau (Nakayama et al., 2017; Rejmánková, 2011;). Các loài cây thủy sinh có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái dưới nước và hệ sinh thái nông nghiệp, chúng tổng hợp và lưu trữ các hợp chất hữu cơ, hấp thụ các nguyên tố hóa học, lọc nước và khử độc các chất ô nhiễm, cung cấp thức ăn, nơi ở và nơi kiếm ăn cho các động vật thủy sinh (Suren et al., 2000; Gross et al., 2001). Nhiều loài cây thủy sinh còn được con người sử dụng để làm thức ăn, thuốc, đồ dùng thủ công mỹ nghệ, và ngoài ra còn được sử dụng như là các sinh vật chỉ thị, xử lý nước bị ô nhiễm (Lesiv et al., 2020). Tuy nhiên, trong các hệ sinh thái đồng ruộng, người nông dân lại xem các loài cây thủy sinh là cỏ dại, do chúng cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng và nước với cây lúa, là đối tượng mang và lan truyền một số sâu, bệnh gây hại lúa. Họ ít quan tâm đến vai trò sinh thái của chúng như là cung cấp sinh khối, và sau khi chết, xác bã của chúng là nguồn cung cấp chất hữu cơ và dưỡng chất cho đất và cây trồng.
An Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều, nằm ven sông Tiền và sông Hậu thuộc hệ thống sông Mekong, có nguồn nước mặt dồi dào, lượng phù sa từ sông nhiều nên thích hợp cho việc canh tác cây lúa. Để tăng số lần gieo trồng trong năm và sản lượng lúa, đồng thời kiểm soát được tác hại của lũ, An Giang đã xây dựng hệ thống đê bao ở nhiều khu vực trồng lúa để sản xuất lúa vụ 3 (Nguyễn Xuân Thịnh và ctv., 2016), từ đó hình thành nên hai vùng trồng lúa với số vụ khác nhau, vùng phía ngoài đê bao chỉ trồng được 2 vụ lúa, thời gian còn lại bị ngập nước và vùng phía trong đê bao trồng được 3 vụ lúa. Mặc dù An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất cả nước, nhưng các nghiên cứu về thực vật trên ruộng lúa ở An Giang rất hiếm, đặc biệt là các loài cỏ dại thủy sinh. Các nghiên cứu đã được thực hiện trước đây chỉ mới đề cập đến sự đa dạng về thành phần loài thực vật bậc cao trên các loại đất ở vùng đồng lụt hở (Nguyễn Thị Hải Lý & Nguyễn Hữu Chiếm, 2017) hoặc đa dạng về tài nguyên cây làm thuốc ở một số huyện (Đặng Minh Quân & Trần Ngọc Thuận, 2017) mà chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về thành phần loài cỏ dại thủy sinh trong hệ sinh thái đồng ruộng. Ngoài ra, hệ thống đê bao có làm thay đổi điều kiện môi trường sống và tác động đến sự đa dạng của nhóm cỏ dại thủy sinh hay không, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá về vấn đề này. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá được sự đa dạng về thành phần loài và sự phân bố của các loài cỏ dại thủy sinh theo các vụ mùa, theo môi trường canh tác (các ruộng lúa phía trong và phía ngoài hệ thống đê bao) và theo từng huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang, làm cơ sở khoa học cho quản lý và bảo tồn tài nguyên thực vật, đồng thời kiểm soát cỏ dại trong các ruộng lúa hiệu quả hơn.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 150-162