SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Bước tiến mới trên nền tảng cũ

[29/07/2022 08:54]

Những bài toán mới như xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ… mà Cục Sở hữu trí tuệ cần giải quyết trọn vẹn và hiệu quả trong thời gian tới sẽ là những thách thức tương tự cách đây 40 năm, cơ quan tiền thân là Cục Sáng chế từng phải vượt qua.

Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia Công nghệ enzyme và protein do GS. Phan Tuấn Nghĩa ở trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) đứng đầu là một trong những đơn vị có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được thương mại hóa thành công. Nguồn: VNU

Tại cuộc tọa đàm về hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các viện, trường do Cục SHTT tổ chức vào cuối tháng 6/2022, ông Đặng Thành Đạt ở Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) cho biết, trung bình mỗi năm, Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 50 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp thuận, hơn 10 sản phẩm công nghệ được chuyển giao, kết quả có xu hướng tăng dần theo từng năm. Từ năm 2017, ĐHQGHN đã thành lập trung tâm hỗ trợ đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ và có quy định riêng về sở hữu trí tuệ. Sự hỗ trợ hết sức tích cực của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi đạt được các kết quả này.

Tưởng chừng câu chuyện trên chẳng có gì đặc biệt, nhất là khi việc thúc đẩy hoạt động SHTT tại các viện, trường, doanh nghiệp lại quá quen thuộc với một đơn vị đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về SHTT như Cục SHTT, nhưng khi lùi lại về thời gian, người ta mới thấy được trong điều bình thường ấy biết bao nỗ lực mà Cục SHTT đã thực hiện để góp phần đặt những khái niệm mới về SHTT ở Việt Nam. Nếu bốn thập kỷ trước “còn chưa có cụm từ SHTT ở Việt Nam” thì đến nay, Việt Nam đã trở thành một “điển hình trong việc phát triển hệ thống SHTT”, theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) Francis Gurry trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2010. Không chỉ “tương đương với bạn bè quốc tế hiện nay về mặt nghiệp vụ, tư liệu, phương pháp quản trị,...” - theo ông An Khang, Cục trưởng đầu tiên của Cục Sáng chế, một trong những điều đáng tự hào nhất với cơ quan này có lẽ là trong mỗi bước chuyển mình của đất nước đều ghi dấu ấn của lĩnh vực này.

Đặt những khái niệm đầu tiên

Trong quá trình phát triển của đất nước, từ thửơ đầu, Chính phủ đã nhận thấy, việc phát động phong trào sáng kiến nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước chỉ có thể đạt hiệu quả nếu biết khuyến khích, trân trọng và bảo vệ những sáng tạo ấy. Bởi lẽ, “mong muốn người ta sáng tạo là một chuyện, nhưng gốc rễ của vấn đề là họ được hưởng gì cái đấy. Khi đó vẫn là nền kinh tế kế hoạch hóa, biến tất cả thành của chung nên người ta cũng giảm nhiệt huyết”, ông An Khang ở tuổi ngoài 90, nhớ về những ngày đầu manh nha. Xuất phát từ ý tưởng này, Cục Sáng chế ra đời vào năm 1982 - đặt dấu mốc đầu tiên cho việc thành lập một cơ quan chuyên trách về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam.

Ở thời điểm đó, chức năng của Cục Sáng chế là thống nhất quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế và công tác sở hữu công nghiệp trong cả nước; bảo hộ pháp lý sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp. Với một khối lượng công việc không nhỏ, lại bắt đầu từ con số 0, Cục Sáng chế non trẻ khi ấy phải làm gì? Bên cạnh việc xây dựng các văn bản pháp luật làm cơ sở hoạt động,“một điều quan trọng là phải có nhân lực tốt”, ông An Khang nhận định, bởi vậy, “khi đó chúng tôi đều chọn những người giỏi được đi học ở nước ngoài về”. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ, năm 1983, đoàn công tác của Cục Sáng chế đã sang thăm và làm việc tại Ủy ban Sáng chế Phát minh nhà nước Liên Xô.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt viên gạch đầu tiên trong Lễ khởi công xây dựng Cục SHTT.

Làm thế nào để học hỏi và áp dụng hiệu quả kinh nghiệm của một cường quốc như Liên Xô là điều mà họ luôn trăn trở. “Chúng ta không thể làm y hệt Liên Xô được, vì họ là một nước lớn, giàu mạnh, đi trước về lĩnh vực này rất lâu rồi, trong khi mình là một nước nhỏ. Vậy thì phải học hỏi quy trình của họ và chọn ra điểm thích hợp với mình”, ông An Khang nhớ lại. “Trong quãng thời gian đó, tôi tìm hiểu mọi ngóc ngách của Ủy ban. Tôi đặt vấn đề với họ là chúng tôi mới làm lĩnh vực này, chưa biết gì, nên cứ hướng dẫn thật tận tình, bao nhiêu chúng tôi cũng học. Do vậy, đội ngũ khi đó đã được đào tạo rất bài bản, trong đó có những người rất giỏi như anh Nguyễn Văn Viễn, lúc đó là Phó Cục trưởng của Cục Sáng chế”.

Ngoài nhân lực, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hoạt động SHTT khi đó chính là nguồn thông tin tư liệu sáng chế. Về bản chất, để cấp bằng bảo hộ một sáng chế, các thẩm định viên phải có nguồn dữ liệu để đánh giá tính mới, tính sáng tạo của sáng chế so với những cái đã có trước đó. “Bây giờ tra cứu tư liệu rất đơn giản, nhưng hồi đấy rất khó, vì làm gì có đủ tư liệu, máy tính và internet như bây giờ”, ông An Khang nói. Do vậy, “nhiệm vụ thứ hai của tôi khi phụ trách Cục Sáng chế, bên cạnh đào tạo nhân lực, chính là xây dựng kho tư liệu sáng chế. Nhân cơ hội Nghị quyết của Đảng khi đó đề cập đến việc xây dựng kho tư liệu sáng chế và Hán Nôm, tôi đã tìm cách vận động xin đất để xây dựng chỗ để kho”, ông An Khang kể lại. Năm 1987, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt viên gạch đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng kho tư liệu sáng chế - trụ sở của Cục SHTT hiện nay. Công trình này được xây dựng bằng nguồn thu từ lệ phí đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid mà Việt Nam được hưởng, và kết hợp với Dự án “Phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp ở Việt Nam và xây dựng Trung tâm Tư liệu sáng chế quốc gia” (Project VIE/86/038) do WIPO hỗ trợ.

Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là một thuận lợi lớn trong quá trình xây dựng kho tư liệu sáng chế. “Nguồn tư liệu sáng chế khi đó chủ yếu cập nhật từ Liên Xô, ngoài ra còn có của Đức. Thời đó, số lượng sáng chế của Liên Xô chiếm khoảng 60% trong số tất cả sáng chế của thế giới. Họ liên tục cho không mất tiền, mỗi sáng chế tôi xin hai bản, một bản để ở Hà Nội, một bản để ở TP.HCM”, ông An Khang kể lại. Trong điều kiện không tối ưu về nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng nhưng vào những năm đầu tiên, Cục đã xây dựng được kho tư liệu với hàng triệu thư mục sáng chế của 52 quốc gia.

Nếu được đầu tư đầy đủ ngay từ ban đầu, liệu hoạt động của Cục SHTT có thuận lợi hơn và thúc đẩy hệ thống SHTT ở Việt Nam phát triển nhanh hơn? Có lẽ, những bước đi chậm là điều cần thiết để phù hợp với bối cảnh đất nước. Tinh thần này thể hiện qua câu chuyện đưa khái niệm “sở hữu trí tuệ” về Việt Nam. Nhiều người thắc mắc tại sao khái niệm SHTT đã có trên thế giới từ lâu, tại sao ban đầu lại đặt tên là Cục Sáng chế, đến năm 1993 lại đổi thành Cục Sở hữu công nghiệp, và đến năm 2003 mới chuyển thành Cục SHTT? “Ban đầu tôi hỏi ý kiến của các chuyên gia, rằng có nên dùng từ SHTT hay không, họ bảo là tốt quá, nhưng sợ không được, vì người ta vẫn hơi ngại dùng từ sở hữu, khi đó chỉ có sở hữu chung thôi chứ làm gì có sở hữu riêng. Do vậy, quá trình chuyển đổi phải diễn ra dần dần. Lúc gọi là sở hữu công nghiệp, có người còn ‘vặn’ tôi là sao không có sở hữu nông nghiệp?”, ông An Khang vừa cười vừa nhớ lại những ngày nêu ra những khái niệm sơ khai về SHTT.

Chuẩn bị cho những bước tiến mới

Những hoạt động SHTT phản ánh một cách rõ nét sự phát triển của KH&CN cũng như nền kinh tế đất nước. Vào năm 1984, Cục Sáng chế đã cấp những bằng bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên của Việt Nam. Do đặc điểm là nền kinh tế kế hoạch hóa, bằng sáng chế khi đó chủ yếu là bằng tác giả sáng chế (tác giả sáng chế chỉ có quyền nhân thân, còn độc quyền sáng chế thuộc về Nhà nước). Từ đó đến nay, Cục SHTT đã cấp được hàng ngàn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích cho người Việt Nam.

Có thể thấy rõ, số lượng bằng sáng chế trong nước vẫn còn “lép vế” so với số lượng sáng chế của nước ngoài. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ người ta mới quan tâm đến bài toán thúc đẩy việc xác lập, cũng như khai thác sáng chế của người Việt Nam. Gần 40 năm trước đây, “chúng tôi đã triển khai các hoạt động đào tạo về sở hữu công nghiệp, ‘mách’ cho họ biết cách kiếm tiền từ SHTT như thế nào. Một trong những nơi đầu tiên mà tôi nhắm đến là trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vì đây là một trong những trường đầu tiên về công nghiệp. Nghe giới thiệu, họ thấy rất thú vị. Khi đó, trường Bách khoa đã cử một người đi Liên Xô để học về SHTT”, ông An Khang kể lại.

Những bước xây dựng cẩn trọng như vậy đã đem lại cho Việt Nam những điểm sáng mới. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 12/2021, Cục SHTT đã cấp hơn 1000 bằng bảo hộ sáng chế và hơn 2000 bằng giải pháp hữu ích cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, so với sức sáng tạo và nguồn lực đang không ngừng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ các viện trường đến các doanh nghiệp của nhà nước cũng như tư nhân, thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, nhiều nơi có tiềm năng khác vẫn còn ngần ngại chưa tiếp cận được với các hoạt động SHTT. Để góp phần gỡ những nút thắt trong hệ thống SHTT của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Cục SHTT đã xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 và được Chính phủ ban hành vào năm 2019. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực này. Chiến lược đã xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ. Trong quá trình triển khai, Cục đã đồng hành, hỗ trợ kịp thời các địa phương. Đến nay, có 26 tỉnh thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, cách thức triển khai của các địa phương không bắt buộc theo một khuôn mẫu chung, mà chủ động, linh hoạt xây dựng tùy theo tình hình hoạt động và định hướng, kế hoạch phát triển của mỗi nơi.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Cục SHTT tiếp tục những bước đi tuần tự để hỗ trợ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) gần đây đều có một chương riêng về SHTT. Điều đáng chú ý là các quy định này đều có xu hướng bảo hộ quyền SHTT toàn diện và chặt chẽ hơn, hơn nữa còn có một số đối tượng hoàn toàn mới ở Việt Nam như nhãn hiệu mùi hương.

Để hưởng lợi từ các hiệp định, Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các cam kết này theo đúng lộ trình đặt ra. Ngoài việc tham gia quá trình đàm phán, Cục SHTT còn tiến hành sửa đổi lần sửa đổi Luật SHTT lớn nhất từ trước đến nay nhằm đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia. Với những điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xác lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ, Luật SHTT sửa đổi mới được Quốc hội thông qua vào tháng sáu vừa rồi đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp,... “Chúng tôi rất mong sẽ sớm được tự động trao quyền đăng ký tài sản trí tuệ là kết quả của đề tài sử dụng ngân sách nhà nước theo luật mới sửa đổi, tạo điều kiện cho thương mại hóa công nghệ, tránh phải xin phép theo các thủ tục cũ rất mất thời gian”, ThS. Trần Vinh Phương ở trường ĐH Huế bày tỏ.

Thanh An

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ