Thời điểm vàng để thúc đẩy công nghệ Blockchain phát triển
Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng hiện tại là thời điểm vàng để Việt Nam thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Blockchain nhằm tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế số nhiều tiềm năng.
Ảnh minh họa
Hiện nay, công nghệ Blockchain hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Với tính chất phi tập trung, công nghệ Blockchain giúp quá trình xác thực dữ liệu số trở nên nhanh chóng, hiệu quả nhưng vẫn giữ được tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu. Điều này khiến cho công nghệ Blockchain đã và đang được triển khai trong nhiều dự án chuyển đổi số , đặc biệt là những dự án về định danh số.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, năm 2022 là năm đánh dấu 25 năm Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu, do đó, hiện tại là thời điểm vàng để Việt Nam thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Blockchain nhằm tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế số nhiều tiềm năng.
Cùng nói về lợi ích của Blockchain, ông Đỗ Văn Long, CEO Công ty CP Vietnam Blockchain, công nghệ Blockchain được coi là một trong những công cụ then chốt trong chuyển đổi số. Blockchain được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như đô thị thông minh, công nghệ tài chính, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng, dịch vụ công, hậu cần, thương mại điện tử, nông nghiệp...
Các giải pháp định danh số được coi là một bước tiến lớn đối với định hướng tiếp cận công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Không những giúp cung cấp tính chủ động trong việc xác thực và bảo mật thông tin trên môi trường trực tuyến, giải pháp còn giúp đơn giản hóa tương tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, qua đó có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong định hướng cải tiến quy trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam hiện nay, đời sống các gia đình ngày càng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tại các đô thị. Từ đó, nhu cầu đối với lao động giúp việc gia đình cũng gia tăng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đa số là phụ nữ, những người chưa được đào tạo kỹ năng bài bản, chủ yếu tìm việc qua các kênh không chính thống... Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng như gia tăng tác động của các chương trình, dự án về lao động ngày càng được quan tâm hơn, một trong số đó là Blockchain.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ Blockchain trong giải quyết các vấn đề xã hội vẫn còn rất mới. Ông Phan Hồng Minh, CEO Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC cho biết, thông qua công nghệ Blockchain, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc được tự động ghi nhận cùng với mốc thời gian và không thể xóa hoặc thay đổi mà không để lại dấu vết. Các dữ liệu này được lưu trữ bảo mật và đảm bảo tính riêng tư. Người lao động giúp việc có toàn quyền quản lý và truy xuất dữ liệu này thông qua nền tảng Blockchain.
Ngoài ra, khi được ghi nhận trên hệ thống Blockchain, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc sẽ không bị mất và tồn tại vĩnh viễn trên nền tảng Blockchain, không thể bị hư hỏng hoặc thất lạc như các chứng chỉ giấy. Người lao động giúp việc có thể lựa chọn những thông tin định danh số mà họ muốn để cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng khác hoặc khách hàng tại bất kỳ thời điểm nào.
Ông Phan Hồng Minh khẳng định, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc được lưu trữ trên nền tảng Blockchain một cách minh bạch và đáng tin cậy, cho phép người lao động giúp việc và khách hàng có thể tự truy xuất và xác minh tính đúng đắn của thông tin tại bất kỳ thời điểm nào thông qua nền tảng Blockchain.
Liên quan tới vấn đề trên, theo luật sư Phong Đào, Việt Nam hiện chưa có văn bản cụ thể cho Blockchain nhưng thái độ của Chính phủ dành cho công nghệ này khá tích cực. Những chủ trương, chính sách đã tạo nhiều cơ hội cho Blockchain phát triển.
Cụ thể từ năm 2020, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Năm 2021, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ ban ngành tiến hành nghiên cứu blockchain tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thông qua công nghệ. Chính nhờ những chính sách cởi mở này, Việt Nam đã có nhiều thành quả đầu tiên trong lĩnh vực blockchain, điển hình là sự thành công của các kỳ lân Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Dù đã có những chính sách thuận lợi nhưng ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng vẫn rất cần những chính sách pháp lý để giúp start-up nước nhà phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, start-up Việt Nam hiện còn gặp nhiều thách thức từ quá trình huy động vốn và tạo ra sản phẩm và dễ vấp phải sự nghi ngờ từ quê hương. Trong khi đó, thị trường quốc tế dễ chấp nhận rủi ro đối với các startup hơn thị trường nội địa. Nên chăng, Bộ Tư pháp tách bạch quá trình huy động vốn và quá trình làm sản phẩm.
Bảo Lâm