SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng tưới nước sông nhiễm mặn lên sinh trưởng và năng suất của hai giống mè đen (Sesamum indicum L.)

[09/08/2022 08:18]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tính chịu mặn của hai giống mè vỏ đen ADB1 và hai vỏ Bình Thuận khi tưới nước sông nhiễm mặn 2-4‰ và đánh giá khả năng nhiễm mặn trong đất lúa khi canh tác cây mè và tưới nước sông nhiễm mặn.

Thí nghiệm sử dụng nước ót pha với nước sông để có nồng độ mặn xác định bằng khúc xạ kế là 2 và 4‰ (nghiệm thức 0‰ là nghiệm thức đối chứng, nước sông không pha nước ót). Thí nghiệm thực hiện trong điều kiện nhà lưới, được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại với 2 nhân tố bao gồm (1) là loài cây: không cây, giống mè ADB1 và giống mè 2 vỏ Bình Thuận; nhân tố (2) là 3 nồng độ tưới mặn là 0, 2 và 4‰. Kết quả sau khi tưới mặn 14 ngày (tổng 2,5 L nước mặn/chậu đất 6 kg) và tưới nước sông đến khi kết thúc thí nghiệm cho thấy, với nồng độ mặn trong nước tưới 4‰ cho thấy đất đã tích lũy mặn (ECe >4 mS/cm), được xem là đất nhiễm mặn. Tuy nhiên, do thời gian nhiễm mặn ngắn, 14 ngày, nên tưới mặn ở mức 4‰ chưa ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của hai giống mè nghiên cứu, như chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối tươi rễ, số trái, sinh khối hạt và trọng lượng 1.000 hạt.

Mức độ xâm nhập mặn của nước biển vào đất liền ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đồng thời tăng nồng độ mặn trong đất (Nguyễn Mỹ Hoa và ctv., 2016). Mặn là một trong những yếu tố phi sinh học ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giai đoạn sinh trưởng, sinh lý và hạn chế năng suất của cây trồng (Nawaz et al., 2010). Do đó, độ mặn hiện tại là một thách thức lớn đối với an ninh lương thực ở các nước sản xuất nông nghiệp, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, người dân cần chuyển đổi những mô hình canh tác khác phù hợp với khu vực sinh sống. Những vùng đất có nguy cơ thiếu nước sản xuất lúa vào mùa khô, đất nhiễm mặn nhẹ (< 4 g/L) nên chuyển đổi sang các cây trồng cạn như bắp (ngô), đậu nành (đậu tương), mè (vừng) để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh tế trên cùng diện tích đất so với trồng lúa.

Mè là loại cây ngắn ngày phù hợp với điều kiện nhiễm mặn nhẹ và khô hạn (Nguyễn Văn Chương & Võ Văn Quang, 2013). Là cây có dầu, cây thực phẩm hiện đang được rất nhiều quốc gia quan tâm và có định hướng phát triển do có hàm lượng dầu cao, và chất lượng tốt. Cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn, ít đòi hỏi thâm canh, có khả năng tận dụng đất đai, mùa vụ, dễ tiêu thụ trên thị trường, thích hợp luân canh, xen canh, ít sử dụng nước tưới (Nguyễn Văn Chương & Võ Văn Quang, 2013). Nguyễn Hồng Huế và ctv. (2020) nhận định khi tưới mặn mức 2‰ vừng đen Ô Môn bị giảm sinh khối khô thân, rễ và hạt trên cây so với đối chứng. Giống mè ADB1 được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phục tráng từ giống mè địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long, và giống mè đen hai vỏ Bình Thuận được Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc phục tráng từ giống mè địa phương của tỉnh Bình Thuận theo phương pháp phục tráng cây trồng tự thụ thuộc Tiêu chuẩn ngành (Nguyễn Văn Chương & Võ Văn Quang, 2013). Hai giống mè này có khả năng chống chịu sâu ăn lá, bệnh thối cây và khả năng chịu hạn cao hơn giống địa phương, thích nghi rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất như cát pha, đất xám bạc màu, đất thịt, phù sa. Năng suất cao, đạt 1,25 tấn/ha trên vùng đất xám bạc màu (Long An và An Giang) và từ 1,75-2,0 tấn/ha ở vùng đất pha thịt, phù sa (An Giang, Đồng Tháp, và Vĩnh Long) (Nguyễn Văn Chương & Võ Văn Quang, 2013). Cho đến nay, các nghiên cứu về ngưỡng chịu mặn cũng như khả năng sinh trưởng, thích nghi của hai giống mè này trước tình hình xâm nhập mặn vẫn còn hạn chế. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng sinh trưởng của hai giống này khi tưới nước sông nhiễm mặn, từ đó giúp nâng cao khả năng mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL và hiệu quả sử dụng đất nhiễm mặn tốt hơn.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 172-182
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ