Đánh giá các yếu tố tác động đến chuyển đổi các loại hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và tự nhiên dẫn đến sự chuyển đổi các loại hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020.
Bốn mươi hộ dân và 09 cán bộ địa phương đã được phỏng vấn để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến quyết định chuyển đổi loại hình sản xuất của nông hộ. Phương pháp thống kê mô tả, chuyển đổi định tính sang định lượng và phân tích đa thứ bậc được sử dụng để xử lý và phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba xu hướng chuyển đổi chính bao gồm: (1) từ mô hình chuyên lúa sang chuyên tôm, (2) từ mô hình chuyên lúa sang lúa – tôm và (3) từ mô hình lúa – tôm sang chuyên tôm. Việc thay đổi loại hình sản xuất được quyết định do năm yếu tố chính xếp hạng lần lượt là (i) lợi nhuận, (ii) xu hướng cộng đồng, (iii) xâm nhập mặn, (iv) chi phí và (v) thời tiết. Các yếu tố này có quyết định đến 87,81% quyết định chuyển đổi loại hình sản xuất của nông hộ.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là khu vực giữ vai trò quan trọng về an ninh lương thực quốc gia với việc cung cấp trên 50% sản lượng lương thực, thực phẩm, thủy sản, hoa trái và đóng góp từ 80% đến 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước (Tổng cục thống kê, 2013). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn phải đối mặt với những rủi ro và dễ bị tổn thương với những tác động, thay đổi của giá cả thị trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) (Tô Lan Phương và ctv., 2016).
Sóc Trăng là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp quan trọng ở ĐBSCL với hệ thống canh tác lúa 2 vụ, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ - mặn. Trong đó, diện tích cây lúa chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng, 2018). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xâm nhập mặn và khô hạn đã tác động và gây thiệt hại lớn đến hệ thống canh tác nông nghiệp của Sóc Trăng, nhất là tại các vùng sản xuất ven biển (Kang et al., 2021). Xuất phát từ thực tiễn trên, tỉnh Sóc Trăng có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xóa bỏ thế độc canh cây trồng, vật nuôi sang luân canh và xen canh.
Mỹ Xuyên là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng với những mô hình sản xuất nông nghiệp như lúa 2 vụ, lúa cá kết hợp, luân canh lúa tôm, hoa màu phù hợp với điều kiện tự nhiên. Mặc dù sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, người dân cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kỹ thuật canh tác, thị trường bấp bênh, thiếu vốn sản xuất. Đặc biệt, trong những năm gần đây tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô và xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền gây thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, từ đó tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện (Nguyễn Văn Bé và ctv., 2017). Trong mùa khô 2015-2016, cả hai loại hình sản xuất chủ lực của huyện là cây lúa và con tôm đều bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn; đặc biệt diện tích trồng lúa của huyện chịu thiệt hại nhiều nhất (tổng diện tích lúa thiệt hại là 1.700,92 ha vụ Đông Xuân) (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mỹ Xuyên, 2016). Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và tự nhiên dẫn đến việc lựa chọn mô hình canh tác của người dân tại vùng nghiên cứu.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 91-102