Phân tích hiệu quả tài chính và chuỗi giá trị phế liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu này phân tích các chỉ số tài chính và chuỗi giá trị phế liệu để đo lường hiệu quả của hoạt động thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm làm luận cứ khoa học đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt có hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm môi trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy công việc thu mua đem lại lợi nhuận khá cao cho tác nhân trong chuỗi. Tuy nhiên, nhận thức về an toàn và mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản của họ chưa cao. Sơ đồ chuỗi giá trị thu mua phế liệu cho thấy hoạt động này khá đa dạng, tùy thuộc vào biến động mức giá mà các kênh cụ thể sẽ có hiệu quả hơn. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách nhằm cải thiện chuỗi giá trị phế liệu, nâng cao thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị phế liệu và giải pháp quản lý phế liệu được đề xuất bao gồm tuyên truyền, tiếp cận tín dụng, trợ giá sản phẩm thu mua và hỗ trợ tiếp cận y tế sẽ giúp các kênh thu mua phát triển hiệu quả.
Khối lượng chất thải ngày càng tăng trên toàn cầu là một trong những vấn đề môi trường nổi bật nhất trên thế giới. Lượng rác thải đô thị toàn cầu hiện được ước tính khoảng 1,3 tỷ tấn mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025 và 13,1 tỷ tấn vào năm 2050 (Hoornweg & Perinaz, 2012; Omar, 2017). Lượng chất thải phát sinh ở châu Á dự kiến đạt 657 triệu tấn vào năm 2025 so với 277 triệu tấn năm 1998 (Omar, 2017; Swati, 2009 ). Mặc dù di cư đô thị cũng như phát sinh chất thải rắn đô thị đang tăng nhưng các thành phố chưa sẵn sàng cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết. Ở nhiều nước có thu nhập thấp, hơn 50% chất thải bị bỏ quên và không được quản lý (Hoornweg & Perinaz, 2012). Hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị (Municipal solid waste - MSW) trở nên phức tạp hơn ở nhiều quốc gia, với sự di chuyển từ hệ thống dựa trên bãi chôn lấp đến các giải pháp dựa trên phục hồi tài nguyên (Burnley, 2007). Việt Nam cùng với các nước đang phát triển phải đối mặt những khó khăn, thách thức trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị hiện nay. Theo thống kê, đến năm 2015, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016). Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn, tại một số đô thị lớn, hoạt động này chỉ mới triển khai thí điểm tại một số khu vực trung tâm. Công tác quản lý vẫn còn gặp một số hạn chế như phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu bằng các lò đốt hoặc chôn lấp. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, có một bộ phận cá nhân đã tiến hành thu mua rác có thể sử dụng từ rác thải của hộ gia đình. Langenhoven and Dyssel (2007) ủng hộ hình thức tái chế này như một cơ chế duy trì sinh kế cho người nghèo là những người thu gom với quy mô nhỏ (vi mô) cũng như các cơ sở nhỏ lẻ dựa trên việc tái chế. Hoạt động này không những đem thu nhập lại cho bản thân họ mà còn góp phần phân loại rác thải, giảm lượng rác thải cần phải xử lý và góp phần bảo vệ môi trường.
Cần Thơ là thành phố lớn thứ 5 cả nước, đồng thời là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương. Với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu cuộc sống vật chất và sử dụng tài nguyên ngày càng lớn kéo theo sự gia tăng lượng phế liệu và lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Việc thu gom, quản lý, xử lý phế liệu chưa được giải quyết triệt để và còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường xung quanh. Do đó, việc nghiên cứu các chỉ tiêu kinh tế, sơ đồ hoạt động của chuỗi phế liệu này là cần thiết giúp các nhà làm chính sách đề xuất giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao hiệu quả quản lý lượng chất thải và các hoạt động tái chế. Ngoài ra, Cần Thơ chính là nơi nghiên cứu tình huống tốt nhất với mật độ dân cư đông và lượng chất thải lớn, do đó những giải pháp được đề xuất từ nghiên cứu này có thể áp dụng cho cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 71-81