SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá lý – hóa tính đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

[09/08/2022 09:44]

Nghiên cứu được thực hiện tại xã Phú Xuân (khu vực trong đê bao khép kín) và Hiệp Xương (khu vực ngoài đê bao khép kín), huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với mục tiêu đánh giá tính chất đất giữa trong đê và ngoài đê bao khép kín.

Mẫu đất được thu tại (i) 15 điểm trong đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 10/2018 và (ii)15 điểm ngoài đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 8/2018. Mẫu đất được thu theo phương pháp tổ hợp gồm 5 mẫu đất (tầng 0-20 cm) để phân tích dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, sa cấu đất, pH, độ dẫn điện, chất hữu cơ, khả năng trao đổi cation (CEC), tổng đạm, tổng lân, tổng kali và nitrate (NO3-N). Kết quả nghiên cứu đã cho thấy pH, dung trọng, tỷ trọng và độ xốp không có sự khác biệt giữa trong đê và ngoài đê, ngoại trừ độ dẫn điện thì trong đê cao có ý nghĩa so với ngoài đê. Các thông số như hàm lượng chất hữu cơ, CEC, tổng đạm và tổng lân trong đê có giá trị cao hơn ngoài đê với các giá trị lần lượt: chất hữu cơ (8,67% và 5,49%), CEC (26,1 cmol kg[1]1 và 20,7 cmol kg -1 ), tổng đạm (0,32 %N và 0,25 %N) và tổng lân (0,19 %P2O5 và 0,14 %P2O5). Thông số NO3-N cũng cho thấy được giá trị trong đê (1,74 mg kg-1 ) cao hơn ngoài đê (1,52 mg kg-1 ) nhưng không có khác biệt (p>0,05). Tương tự, hàm lượng tổng kali không khác biệt giữa trong đê (1,33%) và ngoài đê (1,32%). Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân trong đê cao hơn ngoài đê.

An Giang là tỉnh đầu nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long, có dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ hàng năm (Võ Hồng Tú và ctv., 2012), mùa lũ thường kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 7/8 đến tháng 11/12 dương lịch. Dưới sự tác động của lũ, An Giang đã đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ (Nguyễn Văn Thiệu & Nguyễn Thị Ngọc Dung, 2014). Theo Chi cục Thủy Lợi An Giang (2013), toàn tỉnh có 623 tiểu vùng có tuyến đê bao kiểm soát lũ với tổng chiều dài là 5.372 km và bảo vệ hơn 240.000 ha cho sản xuất. Trong đó, đê bao triệt để có 397 tiểu vùng (kiểm soát lũ hơn 176.079 ha) và đê bao chống lũ tháng 8 có 224 tiểu vùng (kiểm soát lũ hơn 64.000 ha), riêng huyện Phú Tân có 22.123 ha (chiếm 12,56 % trong toàn tỉnh) đất sản xuất nông nghiệp được bao đê triệt để và 100 ha được bao để chống lũ tháng 8 (chiếm 0,15 %). Dự án Bắc Vàm Nao ở huyện Phú Tân đã và đang phục vụ khá hiệu quả cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng đê bao khép kín (Lê Anh Tuấn và ctv., 2015; Nguyễn Xuân Thịnh và ctv., 2016). Bên cạnh đó, đê bao khép kín đã góp phần bảo vệ mùa màng, tài sản, tạo điều kiện tốt cho chăn nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi và tạo việc làm cho người dân (Bùi Thị Mai Phụng và ctv., 2017). Do nhu cầu thâm canh tăng vụ và mong muốn nâng cao sản lượng lúa nên nông dân đã và đang lạm dụng phân bón và sử dụng nông dược trong quá trình canh tác, đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (Lê Thanh Phong & Hà Minh Tâm, 2015). Việc canh tác lúa 3 vụ thường xuyên trong vùng đê bao khép kín đã làm cho đất không được nhận phù sa hàng năm, dẫn đến đất dễ bị bạc màu và môi trường đất bị ô nhiễm (Dasgupta, 2005; Nguyễn Hiếu Trung, 2009). Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Chiếm và ctv., (2017) ở 4 huyện của tỉnh An Giang đã cho thấy thành phần hóa học của đất trong đê có xu hướng cao hơn ngoài đê. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở vững chắc trong việc đề xuất thời gian xả lũ phù hợp cho huyện Phú Tân và đánh giá hiện trạng lý hóa tính của đất trong và ngoài đê bao khép kín là thật sự cần thiết. Xuất phát từ những vấn đề trên, nghiên cứu “Đánh giá tính chất lý-hóa học của đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín huyện Phú Tân - tỉnh An Giang” đã được thực hiện.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(1): 101-107
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ