Phân lập và nhận diện vi khuẩn nội sinh có khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA trong cây đậu phộng (lạc) (Arachis hypogaea L.) trồng tại 03 huyện miền núi tỉnh Bình Định
Một trăm chín mươi mốt dòng vi khuẩn được phân lập từ 93 mẫu nốt sần, rễ, thân cây đậu phộng (lạc) trồng tại 03 huyện miền núi tỉnh Bình Định (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão).
Các dòng vi khuẩn phân lập được đều tạo màng mỏng (pellicle), đều có khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA. Trong nghiên cứu, 15 dòng vi khuẩn có đặc tính tốt được tuyển chọn để nhận diện bằng kỹ thuật PCR. Kết quả cho thấy 15 dòng này đều là vi khuẩn nội sinh. Các dòng vi khuẩn được nhận diện thuộc 6 chi, bao gồm chi Acinetobacter (5 dòng), chi Bacillus (4 dòng), chi Burkholderia (2 dòng), chi Klebsiella (2 dòng), chi Enterobacter (1 dòng) và chi Sphingomonas (1 dòng) với tỷ lệ tương đồng DNA từ 98-99%.
Đậu phộng (lạc, đậu phụng) (Arachis hypogaea L.) là loài cây thực phẩm thuộc họ đậu (Fabaceae). Đậu phộng là loại cây trồng dùng để cải tạo đất vì sau vụ đậu sẽ để lại lượng đạm rất lớn cho đất khoảng 50-100 kgN/ha (Nguyễn Hữu Hiệp & Trần Thị Tuyết Linh, 2009). Bên cạnh vi khuẩn nốt sần, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy bên trong hệ thống mô của cây đậu phộng có chứa hệ vi khuẩn nội sinh. Vi khuẩn nội sinh đã được chứng minh giúp tăng cường sự sinh trưởng của cây trồng (Barbieri et al., 1986), thúc đẩy các quá trình chuyển hóa, kích thích phát triển lông rễ (Harari et al., 1988), tăng hàm lượng các chất khoáng, tăng khả năng kháng nhiều nguồn bệnh (Bandara et al., 2006; Fahey et al., 1991), giúp cố định đạm sinh học, giảm tính mẫn cảm với mầm bệnh và sự thay đổi của thời tiết gây tổn hại cho cây (Xu et al., 1998) và hòa tan lân khó tan (Lăng Ngọc Dậu và ctv., 2007).
Bình Định thuộc vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ, toàn tỉnh có 11 huyện, thị, thành phố trong đó có 3 huyện miền núi cách xa nhau về mặt địa lý (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão). Tại tỉnh Bình Định, những giống đậu phộng được trồng phổ biến là HL25, Mỏ Két, Sẻ, L14 và LDH09 với mùa vụ chính là vụ Đông Xuân (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch). Thời gian của một vụ trồng đậu phộng từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 100 ngày. Phần lớn đất trồng đậu phộng tại ba huyện miền núi của tỉnh Bình Định thuộc nhóm đất xám bạc màu. Những năm qua, nghiên cứu liên quan đến cây đậu phộng tại tỉnh thường tập trung vào các hướng như nghiên cứu chọn lọc giống đậu phộng, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng cây đậu phộng, nghiên cứu mô hình xen canh đậu phộng với các loại cây trồng khác. Phân lập, tuyển chọn vi khuẩn nội sinh có khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA đã được nghiên cứu nhiều ở trong và ngoài nước, tuy nhiên tại tỉnh Bình Định thì chưa có nghiên cứu nào được tiến hành. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp nguồn giống vi khuẩn bản địa có đặc tính tốt về khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA để ứng dụng cho việc nghiên cứu và sản xuất phân vi sinh dùng trong sản xuất cây đậu phộng trồng tại tỉnh Bình Định và là nguồn tài liệu, thông tin mới bổ sung vào cơ sở dữ liệu về lĩnh vực nông học tỉnh Bình Định.
Để tiến tới một nền nông nghiệp bền vững, đậu phộng trồng tại tỉnh Bình Định cần được nghiên cứu về những vi khuẩn nội sinh, xác định và đánh giá một số đặc tính tốt như cố định đạm, hòa tan lân, sinh tổng hợp kích thích tố tăng trưởng thực vật như IAA để ứng dụng những vi khuẩn nội sinh tốt cho cây trồng nói chung và cây đậu phộng nói riêng. Ba huyện miền núi của tỉnh Bình Định đã được lựa chọn làm địa điểm nghiên cứu phân tích tính đa dạng, mối quan hệ của các chủng vi sinh vật nội sinh đã phân lập và khảo sát hoạt tính.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 6B (2021): 125-131