Ảnh hưởng của lá mít và trái mít non phụ phẩm đến các thông số lên men dạ cỏ và sinh khí Methane in vitro
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng lá mít (LM) và trái mít non phụ phẩm (TM) thay thế cho cỏ voi (CV) đến tỷ lệ tiêu hoá, lên men dạ cỏ và sinh khí methane (CH4) in vitro sử dụng dịch dạ cỏ từ 4 con dê đực lai Saanen F2 (♂ Saanen × ♀ Bách Thảo).
Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức (NT) và 4 lần lặp lại. Ở tất cả các NT, thức ăn hỗn hợp được cố định ở mức 40% DM. Năm NT thí nghiệm được xây dựng từ sự thay thế LM và/hoặc TM cho CV trong khẩu phần, cụ thể như sau: 60% CV (NT1), 30% CV + 30% TM (NT2), 30% CV + 30% LM (NT3), 30% CV + 15% TM + 15% LM (NT4), và 30% TM + 30% LM (NT5). Kết quả cho thấy acid béo bay hơi (VFA) tổng số thấp nhất ở NT1 (57,7%) và cao hơn ở NT3 (73,0%) và NT5 (74,8%) (P<0,05). Tỷ lệ tiêu hóa thật in vitro cao nhất ở NT5 (78,5%) và thấp nhất ở NT1 (68,5%) (P<0,001). Tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính in vitro cao nhất ở NT5 (45,0%) và thấp nhất ở NT2 (42,0%) (P<0,001). Hàm lượng khí CH4 (mL/g DM) giảm 17,3% ở NT5 so với NT1 (P<0,01). Kết quả cho thấy NT5 là khẩu phần phù hợp cho việc cải thiện tỷ lệ tiêu hóa, VFA dạ cỏ và giảm sinh khí CH4 ở dê trong điều kiện in vitro.(P<0,05). Tỷ lệ tiêu hóa thật in vitro cao nhất ở NT5 (78,5%) và thấp nhất ở NT1 (68,5%) (P<0,001). Tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính in vitro cao nhất ở NT5 (45,0%) và thấp nhất ở NT2 (42,0%) (P<0,001). Hàm lượng khí CH4 (mL/g DM) giảm 17,3% ở NT5 so với NT1 (P<0,01). Kết quả cho thấy NT5 là khẩu phần phù hợp cho việc cải thiện tỷ lệ tiêu hóa, VFA dạ cỏ và giảm sinh khí CH4 ở dê trong điều kiện in vitro.
Gia súc nhai lại (GSNL) bao gồm dê thịt và dê sữa giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống dinh dưỡng và thực phẩm bền vững, vì dê có thể chuyển hóa một cách hiệu quả các nguồn thức ăn có giá trị thấp thành thực phẩm có giá trị cao như thịt và sữa cung cấp cho con người. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi dê ngày một tăng, trung bình +15,5%/năm do nhu cầu ngày một cao của thị trường và dịch bệnh gia tăng ở các loài gia súc gia cầm khác. Theo Tổng cục Thống kê (2021) tổng đàn dê cả nước là 2.654.573 con, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 413.361 con. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi dê cũng đối mặt với thách thức rất lớn về việc phải đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho sự phát triển và sản xuất tốt của dê. Ở lĩnh vực môi trường, việc thải ra một lượng đáng kể khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động chăn nuôi GSNL nói chung và chăn nuôi dê nói riêng cũng được xã hội vô cùng quan tâm (O’Mara, 2011).
Distel et al. (2020) cho rằng việc thay thế các nguồn thức ăn truyền thống trong chăn nuôi bằng các nguồn thức ăn thay thế sẽ giúp GSNL lựa chọn thức ăn có lợi cho sức khỏe, dinh dưỡng của chúng, đồng thời giảm các tác động tiêu cực đến môi trường gây ra bởi các hệ thống nông nghiệp. Khi so sánh với các loài GSNL khác thì dê có khả năng cao trong việc tiếp nhận đa dạng các nguồn thức ăn mới khác nhau (Shaheen et al., 2020). Chính vì vậy, việc phát hiện và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn thức ăn xanh mới để bổ sung và thay thế cho các thức ăn xanh truyền thống trong chăn nuôi dê là vô cùng quan trọng.
Ở nước ta, nguồn thức ăn xanh từ sản xuất nông nghiệp rất đa dạng và có trữ lượng rất lớn. Trong đó, mít là cây dễ trồng và đang phát triển rất mạnh vào những năm gần đây do mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Theo Cục Trồng trọt (2019), năm 2018 cả nước có 26.174 ha mít, sản lượng 307.534 tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất cả nước với 10.105 ha; chiếm 38,6% tổng diện tích và 37,1% sản lượng cả nước. Diện tích trồng mới diễn ra nhanh nhất tại các tỉnh ĐBSCL. Trong năm 2017, nếu diện tích trồng mới chỉ 581 ha thì sang năm 2018 lên tới 2.407 ha, tăng gấp 4,15 lần. Trong năm 2019, diện tích trồng mới khoảng 1.140 ha, tập trung tại tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ (Cục Trồng trọt, 2019). Chính vì vậy, phụ phẩm từ mít, đặc biệt trái mít non loại thải là rất lớn, có thể sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi dê. Thêm vào đó, lá mít được xem là thức ăn ưa thích của dê (Van et al., 2005), có hàm lượng đạm thô là 15,3% (Lâm Phước Thành, 2020), cao gấp 1,5 lần so với cỏ. Lá mít có 33,2% tannin tổng số (Mui et al., 2002), trong đó 17,9% là tannin cô đặc (Malik et al., 2017). Tannin cô đặc đã được ghi nhận làm giảm sự sản sinh khí CH4 ở GSNL (Malik et al., 2017).
Thực tế trên cho thấy lá và trái mít non có tiềm năng và sản lượng rất lớn để làm thức ăn cho dê. Tuy nhiên, hai nguồn phụ phẩm có tiềm năng lớn này chưa được người dân khai khác hiệu quả để phục vụ cho chăn nuôi dê và có rất ít những đánh giá một cách khoa học về ảnh hưởng của lá và trái mít non lên tiêu hoá, lên men dạ cỏ và sinh khí CH4 ở dê. Chính vì thế, đề tài được thực hiện nhằm đánh giá tác động của việc sử dụng lá và trái mít non đến các thông số lên men, tỷ lệ tiêu hóa và sự sản sinh khí CH4 ở dê trong điều kiện in vitro.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 6B (2021): 108-114